
Ngày 1- 7- 2007, Luật Công chứng sẽ có hiệu lực, cho phép cá nhân thành lập phòng công chứng tư. Dù TPHCM đã có 6 phòng công chứng nhưng mới đây Sở Tư pháp công bố thành lập thêm phòng công chứng nhà nước số 7. PV Báo SGGP 12 Giờ trao đổi xung quanh về vấn đề này với bà Ngô Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM…

- Thưa bà, là cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, bà đánh giá như thế nào về hoạt động công chứng tư?
- Chúng tôi rất ủng hộ việc thành lập các phòng công chứng tư. Có thêm các phòng công chứng tư thì hoạt động công chứng mới có tính cạnh tranh để phục vụ tốt, nhanh các yêu cầu của dân.
- Thưa bà, theo Luật Công chứng, lĩnh vực hoạt động của phòng công chứng tư có bị “giới hạn” so với phòng công chứng nhà nước không?
- Hiện nay Luật Công chứng chỉ mới cho phép tư nhân được thành lập phòng công chứng chứ chưa có quy định gì cụ thể về quyền và lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên điều đó không quan trọng mà quan trọng là làm sao đảm bảo an toàn về các giao dịch pháp lý.
- Dư luận thắc mắc, vì sao trong lúc phòng công chứng tư sắp ra đời, Sở Tư pháp lại “ôm rơm nặng bụng” khi thành lập thêm Phòng Công chứng nhà nước số 7 mà không để cho tư nhân tham gia theo chủ trương xã hội hóa...?

Ngồi chờ công chứng tại Phòng Công chứng số 1 - Bao giờ hết cảnh này!Ảnh: ĐỨC TRÍ.
- Ngày 1-7-2007, Luật Công chứng có hiệu lực và sẽ cho phép công chứng tư hoạt động. Thế nhưng, chỉ mới có luật chứ chưa có văn bản hướng dẫn thi hành hành nên công chứng tư sẽ chưa ra đời sớm được. Trong khi, nhu cầu xã hội đang cần rất cao, các phòng công chứng vẫn quá tải, dân vẫn phải đi công chứng rất xa… Không thể vì chờ hướng dẫn để công chứng tư ra đời mà các yêu cầu về công chứng của dân bị chậm. Vì thế, từ đó đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục thành lập thêm 2 phòng công chứng mới là Phòng số 6 (đã hoạt động) ở Bình Thạnh và sắp tới là phòng số 7 ở quận 6 là nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của dân.
- Lĩnh vực chứng thực đã được chuyển giao về phường...
- Nhu cầu xã hội ngày một lớn, các giao dịch tại TPHCM rất sôi động, yêu cầu về công chứng vẫn ngày một cao. Dù đã chuyển giao chứng thực về phường nhưng so với năm 2005 thì năm 2006 thì số lượng hồ sơ chứng thực tăng trên 30%, lệ phí thu được cũng tăng 21%.
- Nhiều người cho rằng, nhà nước đã cho phép tư nhân làm dịch vụ công chứng nhưng Sở Tư pháp lại mở thêm phòng công chứng nhà nước, vậy còn đâu “cửa” để tư nhân nhảy vào?
- TPHCM có rất nhiều quận đang trong quá trình đô thị hóa và lượng giấy tờ giao dịch ngày một tăng lên. Thử nhìn lại, lúc đầu TP có 1 phòng công chứng, đến nay đã có 6 phòng mà lượng việc vẫn tăng đều đều. Với nhu cầu giao dịch ngày một tăng như vậy, tôi cho rằng không sợ không còn “đất” cho công chứng tư ra đời. Cái bánh ngày một nở ra, nhu cầu xã hội ngày một cao, nếu có phòng công chứng tư ra đời, có nghĩa là các yêu cầu của dân ngày càng được phục vụ tốt hơn.
- Xin cảm ơn bà.
HÀN NI