Công đoàn Việt Nam trước những thách thức mới

Làm thế nào để Công đoàn Việt Nam, một tổ chức có 90 năm với bề dày kinh nghiệm trong đại diện, thương lượng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vẫn sẽ là trung tâm tập hợp, đoàn kết, thu hút đông đảo người lao động tham gia là thành viên, đó là vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay.

Mặc dù chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của tổ chức công đoàn được pháp luật thừa nhận; song trên thực tế, việc thực thi các quyền và lợi ích của người lao động tại nhiều doanh nghiệp không như kỳ vọng, còn tình trạng vi phạm xảy ra, xâm phạm quyền và lợi ích của một bộ phận người lao động. Một số cán bộ công đoàn cơ sở chưa thực hiện tốt quyền đại diện, bảo vệ người lao động theo quy định của pháp luật, như: tham gia đối thoại, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể... Trong thời gian tới, vấn đề đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động lại xuất hiện những thách thức mới.

Trước hết, đó là hành lang pháp lý để thực hiện quyền đại diện cho các tổ chức khác nhau để thương lượng với chủ sử dụng lao động, vấn đề thực thi trên thực tế khi các tổ chức khác nhau có những mối quan tâm và ưu tiên không giống nhau; các mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra giữa các tổ chức đại diện; người lao động có thể bị chia rẽ hoặc bị lợi dụng.

Một trong những điều kiện cần để người lao động tự nguyện gắn bó với tổ chức công đoàn là trong quá trình lao động sản xuất và cuộc sống cần được chia sẻ khó khăn, chăm lo kịp thời. Song, ở không ít công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn chưa nhận diện đầy đủ vấn đề của thực tiễn, mong muốn, nguyện vọng của người lao động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc làm bền vững và chính sách tiền lương hiện hành đang là thách thức đối với số đông người lao động. Do những hạn chế về trình độ chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng, người lao động có thể rơi vào tình trạng mất việc làm diễn ra thường xuyên hơn. Mặt khác, một bộ phận người lao động gặp khó khăn về việc làm và đời sống, đòi hỏi có sự chia sẻ của tổ chức công đoàn, nhưng nhiều nơi công đoàn chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này. Ở một số doanh nghiệp và đơn vị, cán bộ công đoàn còn làm việc theo kiểu “mệnh lệnh”, “hành chính”, xa rời thực tế. Vì thế, tính thiết thực là yêu cầu thường xuyên của hoạt động công đoàn và chắc chắn là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh tình hình mới.

Hiện tại, người lao động có quyền tự nguyện tham gia (hoặc không tham gia) vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, người lao động làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, họ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện. Tổ chức đại diện của người lao động (tổ chức khác) không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế, nên tổ chức này chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam trước hết mang sứ mệnh là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, đồng thời là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam cần nhiều nguồn lực và công sức để có thể thực hiện tốt cả hai vai trò này.

Cùng với thách thức về vị thế, sẽ có nhiều vấn đề pháp lý đặt ra cần quan tâm giải quyết thấu đáo. Đó là quan hệ giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam với tổ chức đại diện khác của người lao động trong doanh nghiệp sẽ như thế nào? Vị trí, vai trò của từng tổ chức? Bên cạnh quyền bình đẳng trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác có những đặc thù nào khác nhau, khi Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội? Đây không những là các câu hỏi mang tính chiến lược, đòi hỏi phải được giải đáp thỏa đáng, trên cơ sở hình thành các quan điểm và các giải pháp thực hiện, mà còn là một thay đổi quan trọng với người lao động và với cả tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Để củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, xử lý thỏa đáng và kịp thời các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực lao động, việc làm, quan hệ lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, công đoàn sẽ phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Mà muốn đổi mới thành công thì điều quan trọng trước tiên là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, họ phải thực sự là thủ lĩnh của công nhân lao động, nhất là ở cấp cơ sở. Cán bộ công đoàn hôm nay không chỉ là cán bộ công vận thuần túy, mà phải là một chuyên gia về thuyết phục, tư vấn, thương lượng, đối thoại và dẫn dắt người lao động. Có thể nói, mô hình tổ chức bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực của công đoàn hiện nay dường như vẫn đang ở giữa “nhà ga 2.5” của con tàu cách mạng 4.0 của thế giới. Nếu không có sự tăng tốc mạnh mẽ về công tác chỉ đạo và đội ngũ thì công đoàn khó có thể thực hiện được vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo.
BÙI VĂN CƯỜNG
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tin cùng chuyên mục