Công khai giải trình, tiếp thu để tạo sự đồng thuận

Hôm nay và kéo dài trong suốt 3 tháng tới, một hoạt động chính trị quan trọng bắt đầu diễn ra sôi nổi trên toàn quốc. Đó là việc toàn dân nghiên cứu, đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong lịch sử lập hiến nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trả lời công khai trước đông đảo giới truyền thông về những nghi ngại cho rằng, điều 4 của dự thảo Hiến pháp (về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) là bất di bất dịch và không thể được góp ý kiến, Trưởng ban Biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thành viên, đồng thời là người phát ngôn của Ủy ban dự thảo dự thảo Hiến pháp đã thẳng thắn cho biết, việc lấy ý kiến về dự thảo không có “vùng cấm”. Mọi ý kiến trên tinh thần xây dựng, dù có thể khác biệt với phương án đã được đưa ra, vẫn sẽ được lắng nghe.

Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, thành viên Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cũng cho biết: “Điều 4 trong dự thảo lần này đã được bổ sung, chỉnh lý, khẳng định rõ Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân”.

Bên cạnh việc xóa bỏ những “vùng cấm” thì cách thức tổ chức lấy ý kiến và quá trình tổng hợp, tiếp thu những ý kiến nhận được cũng vô cùng quan trọng. Truyền thống cầu thị trong sửa đổi, xây dựng Hiến pháp từng được nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhấn mạnh khi ông nhắc lại rằng, Hiến pháp năm 1946 có giá trị lâu dài, gắn với tên tuổi, sự nghiệp, quá trình lãnh đạo đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên chính Bác Hồ, chứ không phải ai khác, năm 1959 đã khẳng định, Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp và đích thân Người làm Trưởng ban xây dựng Hiến pháp năm 1959.

Còn GS-TS Trần Ngọc Đường, Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét: “Việc lấy ý kiến nhân dân phải làm một cách thực chất mới có kết quả thực chất. Sau khi tập hợp ý kiến, Ban Biên tập cần công khai giải trình, tiếp thu để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt, những quan điểm có nhiều ý kiến đóng góp mà không tiếp thu phải có cách ứng xử trân trọng và cần được giải thích rõ”.

Từng có vị trí quan trọng trong việc xây dựng nhiều bản Hiến pháp trước đây, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của chính mình: “Đã có những vấn đề được kiến nghị thay đổi nhưng chưa được tiếp thu, thể hiện trong Hiến pháp năm 1992, cụ thể như nội dung về tổ chức các cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp. Sau đó, trong lần sửa đổi một số điều vào năm 2001, những bất cập này cũng chưa được khắc phục. Thực tiễn đã chứng minh ý kiến góp ý của nhân dân là đúng và giờ đây, 20 năm sau, những vấn đề này lại được bàn thảo”. Chính vì thế, quan chức kỳ cựu trong lĩnh vực lập pháp bày tỏ mong muốn dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được nhân dân cho ý kiến toàn diện, sâu sắc và Ủy ban dự thảo cân nhắc, tiếp thu đầy đủ và trọn vẹn nhất trước khi hoàn thiện, trình Quốc hội phê chuẩn.

Cuối cùng, như một sự trùng hợp nhiều ý nghĩa, từ ngày 1-1-2013, Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, ngày 9-11 được chọn là Ngày Pháp luật Việt Nam. Đó là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật gốc đầu tiên của nước ta. Quy định này nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.

Có cách nào để mỗi người dân thể hiện ý thức trân trọng Hiến pháp nước nhà, thượng tôn pháp luật một cách thiết thực hơn là việc thông qua mọi kênh thông tin để cùng đóng góp tiếng nói, trí tuệ của mình như góp thêm một viên gạch chắc, mạch vữa bền, cùng xây dựng Hiến pháp - đạo luật gốc, nền tảng căn bản của một nhà nước pháp quyền vững mạnh! 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục