Công khai, minh bạch để ngăn chặn tiêu cực trong đấu giá

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản. Một trong những điểm đáng chú ý là các quy định hiện nay về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác.
Công khai, minh bạch để ngăn chặn tiêu cực trong đấu giá

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản. Một trong những điểm đáng chú ý là các quy định hiện nay về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác.

Tạo hành lang pháp lý cho VAMC xử lý nợ xấu

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC; quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên. Nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao

Đối với các công ty quản lý tài sản (AMC) do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng. Theo đó, việc mua bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại dự luật.

Đối với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004, với mục tiêu góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Đồng ý với dự thảo, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rõ góp xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nhanh chóng hiệu quả hơn, sớm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), việc quy định VAMC được đấu giá nợ xấu có tài sản đảm bảo là hợp lý vì thời gian qua việc xử lý chậm, trong khi đây là nguồn lực quan trọng có thể phát huy để phát triển kinh tế. Quy định này cũng cần thiết vì việc xử lý nợ xấu hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao và chưa mang tính thị trường.

ĐB Hoàng Văn Cường lo ngại quy định đấu giá theo thủ tục rút gọn dễ xảy ra tiêu cực do quy trình cũng đồng nghĩa với thời gian thông báo ngắn, nhanh, tính công khai minh bạch kém. Nếu có quy định như vậy sẽ rất dễ tạo kẽ hở đưa ra giá khởi điểm nhằm tạo cho phiên đấu giá không thành công để sau đó được tổ chức đấu giá theo quy trình rút gọn nhằm trục lợi.

Xung quanh việc đấu giá các loại tài sản khác như: đất đai; tài sản thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước… các ĐBQH cho rằng, cần có quy định chặt chẽ để chống gian lận, thất thoát tài sản.

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), thực tế hiện nay, việc đấu giá tài sản là bất động sản bị chi phối nhiều bởi nhóm cò, xã hội đen dù không tham gia nhưng uy hiếp người tham gia đấu giá. ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị cần phải công khai giá khởi điểm của tất cả tài sản đưa ra đấu giá thay vì chỉ công khai một số trường hợp.

Giải trình thêm về một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cho biết sẽ xem xét các câu từ sao cho chặt chẽ hơn nữa và bổ sung trong việc chống thông đồng đấu giá. Về VAMC, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc quy định các quyền của VAMC là nhằm xử lý hiện tượng nhất thời của nền kinh tế là nợ xấu và VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu với tài sản đảm bảo. Nếu VAMC tự tổ chức đấu giá thì phải theo trình tự của luật. Tuy nhiên, hiện VAMC chủ yếu ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức chuyên nghiệp.

Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Giải trình thêm về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, về công nhận tổ chức tôn giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết. Mục đích là để thấy rõ ảnh hưởng và phương thức hoạt động của tổ chức tôn giáo đó trong thực tiễn trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, theo nghi lễ, hành vi tôn giáo đã đăng ký. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về điều kiện này khi xem xét công nhận tổ chức tôn giáo. Dự thảo luật hiện nay đã điều chỉnh khoảng thời gian này giảm từ 10 năm (theo dự thảo trình Quốc hội tháng 10-2015) xuống 5 năm để vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của việc quản lý nhà nước, vừa phù hợp với nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo (theo quy định hiện hành, thời gian kiểm nghiệm thực tiễn trước khi công nhận tổ chức tôn giáo là 23 năm). Đặc biệt, về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài, dự thảo luật cũng đã quy định rõ, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm, suy tôn, suy cử làm chức sắc. Về phương thức quản lý, đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Linh mục Nguyễn Văn Riên phát biểu ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Dự thảo luật cũng minh bạch hóa các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo.

NGỌC QUANG - PHAN THẢO


ĐBQH đề nghị làm rõ động cơ của Vinastas trong công bố thông tin về nước mắm

(SGGP).- Liên quan đến vụ việc nước mắm truyền thống chứa chất arsen, cuối tuần qua Bộ Y tế đã công bố kết quả cuộc kiểm tra chất lượng 247 mẫu nước mắm cả truyền thống và công nghiệp. Theo đó nước mắm an toàn khi 100% số mẫu không phát hiện arsen vô cơ (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Bên hành lang Quốc hội ngày 24-10, các ĐBQH tiếp tục nêu ý kiến về vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần rà soát lại các quy định của pháp luật hiện nay để đưa ra chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn việc lợi dụng phương tiện truyền thông đưa ra thông tin sai lệch, làm rối loạn thị trường, mục đích trục lợi cá nhân hoặc có mưu đồ xấu gây tác hại mất ổn định kinh tế - xã hội. Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bức xúc, Vinastas đã làm một việc rất sai lầm. “Hội đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Có thể nói điều này rất đáng xấu hổ. Cơ quan nhà nước cần tỏ rõ thái độ đối với việc làm, với hoạt động của Vinastas khi hội chỉ làm việc có lợi cho bản thân mình mà không lợi cho người tiêu dùng - những người mà hội nhân danh bảo vệ. Cần xem xét lại vấn đề tổ chức, nhân sự của hội” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động khảo sát, công bố kết quả khảo sát của Vinastas; xác định mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinastas (nếu có); xác định rõ việc nhận tài trợ của Vinastas trong việc tiến hành các hoạt động khảo sát trong thời gian vừa qua. Bộ Công thương cũng có văn bản yêu cầu Vinastas chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về quá trình khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát và các nội dung liên quan đến nội dung kiểm tra để chuẩn bị làm việc với đoàn kiểm tra.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục