Công nghệ khắc chế… xói lở

Sau hai cơn bão lớn vào cuối tháng 7 vừa qua, người dân Tiền Hải (Thái Bình) không khỏi vui mừng khi gần 4km đê biển nơi đây vẫn đứng vững. Song với ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), niềm vui còn xen lẫn tự hào khi chứng kiến giải pháp công nghệ  do chính mình nghiên cứu phát triển được ứng dụng hiệu quả, thách thức thời tiết.
Công nghệ khắc chế… xói lở

Sau hai cơn bão lớn vào cuối tháng 7 vừa qua, người dân Tiền Hải (Thái Bình) không khỏi vui mừng khi gần 4km đê biển nơi đây vẫn đứng vững. Song với ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), niềm vui còn xen lẫn tự hào khi chứng kiến giải pháp công nghệ  do chính mình nghiên cứu phát triển được ứng dụng hiệu quả, thách thức thời tiết.

Công nghệ khắc chế… xói lở ảnh 1

Thi công dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển Tiền Hải (Thái Bình)


Nhiều tính năng mới

Dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển số 6 đoạn từ K33+020 đến K35+760 xã Đông Minh và đê biển số 5 đoạn từ K22+300 đến K23+300 xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) với tổng chiều dài gần 4km chính là sản phẩm đầu tay mà Busadco đưa giải pháp công nghệ vừa nghiên cứu thành công vào ứng dụng. Theo ông Hoàng Đức Thảo, chỉ mất hơn 4 tháng triển khai ứng dụng giải pháp “Chân kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển”, đầu năm 2015, công trình đã hoàn tất, đưa vào sử dụng và phát huy tối đa ưu điểm của công nghệ, minh chứng rõ ràng nhất là sự vững chãi của đê sau bão.

Còn nhớ vào thời điểm đề xuất triển khai dự án, ông Thảo cùng các cộng sự phải trả lời một loạt câu hỏi phát sinh từ thực địa: Làm thế nào để chống lại tình trạng lật kè, chống được tình trạng trượt chân, hay nói cách khác là mất chân kè? Và quan trọng nhất là làm thế nào để chống được tình trạng lún? Từng đi khảo sát thực tế tại nhiều công trình, biết được rằng các công trình vẫn thiên về kết cấu “cứng” nên dễ xảy ra rủi ro phá vỡ kết cấu do sạt lở, xói mòn, lún sụt cục bộ. Hơn nữa, kè chắn bê tông cốt thép xây dựng trong môi trường xâm thực vùng biển, nên hiện tượng ăn mòn cốt thép và bê tông dễ dẫn đến hiện tượng nứt vỡ và phá hủy kết cấu, gây hư hỏng, không đảm bảo tuổi thọ công trình…

Trăn trở từ thực địa và thực địa cũng bắt nguồn cho sự sáng tạo, ông Hoàng Đức Thảo cùng các kỹ sư tại Busadco đã ngày đêm mày mò nghiên cứu, tìm cách khắc chế các khuyết điểm của giải pháp truyền thống, từ đó cho ra đời giải pháp công nghệ “Cấu kiện bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển”. Giải pháp được ví von như một “cái nơm”. “Với đốt kè được đúc thành khối bê tông rỗng; mặt đáy để hở, mặt trên chừa khoảng trống để bơm vật liệu vào trong, tạo thành khối liên kết đồng bộ với vật liệu tự nhiên ngay tại vị trí lắp đặt kè. Nguyên lý này triệt tiêu được các ảnh hưởng tác động đến kè, tăng cường lực ma sát chống đẩy nổi, chống chuyển vị và trượt ngang. Đốt kè còn được làm bằng vật liệu bê tông cốt sợi Polypropylene thay thế cho cốt thép có tính chống ăn mòn, chống xâm thực do môi trường biển, giảm sự hình thành vết nứt, gia tăng khả năng chống thấm, khả năng chịu nén và uốn của bê tông. Và do quá trình thi công chủ yếu là lắp ghép nên cũng giảm khối lượng và thời gian thi công, tận dụng được vật liệu tại chỗ, giảm đến 45% chi phí so với những giải pháp bảo vệ bờ và đê biển truyền thống”, ông Thảo phân tích.

Không ngừng sáng tạo

Thành công với đê biển Tiền Hải là cơ sở để ông Hoàng Đức Thảo mang giải pháp công nghệ đi giới thiệu và nhanh chóng được nhiều địa phương đón nhận. Sản phẩm được triển khai ứng dụng cho dự án chống xói lở suối Rạch Tranh (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu). Tiếp đó là dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Cần Giờ tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM). Sau khi thí điểm thành công 100m kè thuộc dự án kè bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, TPHCM đã quyết định cho phép ưu tiên ứng dụng công nghệ này tại các công trình kè trên địa bàn TP.

Cùng với công nghệ “Cấu kiện bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển”, những năm qua, hàng loạt công trình, đề tài khoa học khác cũng được Busadco nghiên cứu hoàn thiện và đẩy mạnh phạm vi ứng dụng. Năm 2004, đề tài nghiên cứu khoa học “Chế tạo cụm máy tời nạo vét hệ thống thoát nước” đã được giới khoa học công nghệ môi trường, các công ty thoát nước đô thị trong cả nước đón nhận và đánh giá cao nhờ có thể thay thế hiệu suất hoạt động của khoảng 20 công nhân. Công trình nghiên cứu đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec). Liên tiếp những năm sau đó, kỹ sư của Busadco đã nghiên cứu và thực hiện thành công các đề tài: Hệ thống hố ga ngăn mùi và thu nước mưa kiểu mới, sáng tạo mối nối mềm thay thế cho mối nối cứng hiện nay để liên kết cống - hố ga, giải bài toán sụt lún đất đá xuống lòng cống do đứt gãy mối nối cống… và cũng được Vifotec trao tặng nhiều giải thưởng lớn. Sản phẩm Hào kỹ thuật được ứng dụng ở những TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Trong đó, lần đầu tiên, toàn bộ hệ thống dây điện, điện quang… trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được đi cáp ngầm đặt trong lòng hào kỹ thuật mang tính thẩm mỹ cao...
|
Với hơn 30 sản phẩm khoa học công nghệ đã ra đời, trong đó có 23 sản phẩm đã và đang được ứng dụng rộng rãi; 21 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; 18 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ lập tiêu chuẩn quốc gia (TCVN)… càng thể hiện sức sáng tạo không ngừng nghỉ của những người kỹ sư tại Busadco - một doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong cả nước. Còn bản thân ông Hoàng Đức Thảo, danh hiệu Anh hùng Lao động chính là phần thưởng lớn lao ghi nhận xứng đáng công sức mà ông đã dành cho công tác nghiên cứu khoa học của mình Mới đây, tin vui đến với ông Hoàng Đức Thảo và Busadco khi cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được vinh dự được xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học  - công nghệ đợt 8 năm 2016. Trong đó, giải pháp công nghệ “Cấu kiện bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển” là một trong những sáng tạo mang tính đột phá, tiêu biểu của cụm công trình này.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục