Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đồng ý với đề xuất của lãnh đạo Bộ TT-TT về việc bổ sung thông điệp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc từ “5K + vaccine” thành “5K + vaccine + công nghệ”. Đây được coi là giải pháp toàn diện, với phương châm phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Vẫn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng đây được xem là cách tiếp cận mới trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đó là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm nhanh và chủ động hơn, tiêm vaccine thần tốc hơn.
5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) được xem là những biện pháp đầu tiên, chủ động của mỗi cá nhân để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Vaccine chính là tấm khiên phòng vệ hữu hiệu, lâu dài. Với công nghệ, khi ứng dụng nhiều và đủ mạnh sẽ kiểm soát dịch tốt hơn, hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả hơn, kể cả việc chủ động nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 mang thương hiệu Made in Vietnam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện có khá đủ bộ giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19, từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly đến tiêm vaccine. Với việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới, chúng ta sẽ sớm phát hiện người nhiễm dịch bệnh thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc. Công nghệ cũng sẽ giúp việc truy vết nhanh, chỉ vài giờ thay cho vài ngày. Việc phát hiện chính xác những người tiếp xúc gần bằng công nghệ, sẽ giảm số F1, F2 phải cách ly xuống hàng chục lần… Đơn cử như việc thực hiện khai báo y tế điện tử qua các ứng dụng di động, cài đặt Bluezone trên điện thoại thông minh, giám sát các khu cách ly bằng hệ thống camera tập trung được triển khai trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc sử dụng rộng rãi các công nghệ dù có một số bất tiện nhưng là cách phòng dịch tốt nhất hiện nay. Muốn “bình thường hơn” thì mỗi người dân phải chủ động dùng công nghệ để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Bộ TT-TT vừa quyết định thiết lập Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm này quy tụ lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 để phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Một trong những nhiệm vụ của trung tâm là phát triển hoặc nhận chuyển giao những giải pháp công nghệ mới trong phòng chống dịch Covid-19; phục vụ các yêu cầu sử dụng công nghệ để hỗ trợ nghiệp vụ y tế của Bộ Y tế; hỗ trợ yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai biện pháp công nghệ cho các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế và Bộ TT-TT quyết định một số công nghệ áp dụng bắt buộc phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là bước tiến quan trọng trong việc chủ động phòng chống và phòng chống hiệu quả. Các giải pháp công nghệ này không chỉ cho dịch Covid-19 mà còn có thể sử dụng lâu dài cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai.
Từ ứng dụng thông báo và khai báo y tế di động, đến sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích, nghiên cứu và sản xuất vaccine..., công nghệ không còn là biện pháp theo dõi, phòng vệ mà trở thành mũi tấn công trực diện hiệu quả, có thể đẩy lùi dịch bệnh. Điều quan trọng cuối cùng là các cơ quan chức năng, nhất là Bộ TT-TT và Bộ KH-CN, nhà khoa học, tổ chức công nghệ phải phát huy được vai trò của mình.