Ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát trong nước làm cho doanh nghiệp (DN) gặp khó, giá cả tăng cao đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều người, trong đó mạnh mẽ nhất là giới công nhân (CN). Hiện nay, nhiều CN ở các tỉnh lẻ đang rất khó khăn trong việc mưu sinh.
Việc ít, lương giảm
Thời gian qua, cũng như số đông các DN trong cả nước, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Định phải “gồng mình” vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Không ít DN phải đối mặt với sự lựa chọn tồn tại hay không tồn tại. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có trên 100 DN giải thể và nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng. Khảo sát tại một số DN đang gặp khó khăn cho thấy, mặc dù chưa ngừng sản xuất hẳn, nhưng đơn hàng về công ty ngày càng ít. Nhiều CN, mặc dù vẫn đến công ty hàng ngày, nhưng thực tế chỉ để chờ có việc làm.
Tuy không có số liệu thực tế, song theo nhận định của một số lãnh đạo các DN ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài (Bình Định) mà chúng tôi đã gặp, ước tính số lượng CN ở đây trong thời điểm này giảm khoảng 50%, nhiều nhất là CN ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Ông Cao Đình Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Quang Trung (KCN Phú Tài), tâm sự: “Sản xuất kinh doanh không như mong muốn, hàng làm ra không bán được, tồn kho ngày càng tăng, nợ nần chồng chất khiến nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm tiền lương cũng là điều dễ hiểu”.
Chờ đến giờ nghỉ trưa, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Thạch, CN nhà máy gạch ceramic ở KCN Phú Tài. Thạch dẫn chúng tôi về khu nhà mình đang thuê trọ. Khu nhà trọ truyền thống của CN phòng nào cũng giống hệt nhau vì cùng chung cảnh nghèo. Các dãy nhà lợp tôn tuềnh toàng, chật chội, bức bối… Thạch cho biết, gian phòng này trước đây có 3 CN cùng ở với anh. Mấy tháng gần đây do không có việc làm và bị công ty nợ lương nên nhiều CN đành phải về quê bám víu vào gia đình mà sống, trong đó có 3 CN ở cùng phòng với Thạch, bây giờ chỉ còn lại một mình anh.
Chúng tôi tiếp tục sang một vài nhà trọ khác ở gần đấy, nhưng hầu hết đã đóng cửa do CN nghỉ làm. Chị Nguyễn Thị Mỹ, chủ một nhà trọ ở khu vực 6, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), cho biết: Gần đây CN nghỉ việc nhiều, chưa có người mới thuê trọ. Phòng đằng kia, trước đây của một anh người Thanh Hóa, làm ở Công ty gỗ Mỹ Tài, nhưng do không có việc làm đã vào TPHCM bán hàng rong. Còn phòng bên này là của một chị Bích, quê Phù Mỹ, trước làm ở một công ty gỗ, cũng nghỉ vì việc ít, lương thấp.
Cận cảnh bữa cơm công nhân
Tan ca, nhiều CN đổ vào các khu chợ dã chiến ven đường để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối. Đưa bịch đồ ăn vừa mua cho chúng tôi xem, chị Nguyễn Thị Trúc (quê Hoài Ân) cứ tặc lưỡi vì thứ gì cũng đắt. “Chút xíu này mà hai chục ngàn lận! Bốn quả cà chua 5.000 đồng, hai bó rau muống 5.000 đồng, hai quả trứng vịt 6.000 đồng và một ít gia vị…”. Loáng sau, mâm cơm CN được biện ra ngay trên nền nhà trọ. Một bát canh trứng nấu cà chua, một đĩa rau luộc và một chén nước mắm. Cô CN tên Trâm - cùng quê với Trúc, ấp úng: “Tạm bợ mãi rồi cũng thành quen, bữa cơm của chúng em chỉ có thế. Sáng mở mắt là vội đi làm, tối xẩm mới về. Nhiều khi mệt quá nên bọn em chỉ ăn gói mì tôm hay bát cháo rồi đi ngủ. Với lại, thu nhập như bọn em nếu không chi tiêu tằn tiện thì khó mà tồn tại được”.
Trong căn phòng trọ chật chội, bên cạnh đứa con thơ gần 3 tuổi vẫn vô tư cười đùa, anh Trần Văn Hải (quê Quảng Bình), CN Xí nghiệp gỗ PISICO, chỉ vào mâm cơm gồm rau muống luộc, đậu phụ và một quả trứng vịt, cười buồn: “Đã hơn hai tháng nay, vợ chồng em ăn uống “gọn gàng” lắm. Thỉnh thoảng mới dám mua thêm ít cá hoặc ít thịt, nhưng chủ yếu là ưu tiên cho cháu nhỏ. Vợ chồng em đều là CN, mấy năm trước công việc nhiều, cả hai đều làm tăng ca nên mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Nay thu nhập của hai người chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, mà đủ thứ phải chi tiêu, phần tiền ăn, tiền thuê nhà, điện, nước, tiền gửi trẻ… chưa kể thuốc men khi ốm đau bệnh tật, phải tằn tiện, xoay xở lắm mới đủ chi tiêu đến cuối tháng”.
Đằng sau những bữa ăn CN thời suy thoái kinh tế luôn là những chuyện tỉ mẩn, vụn vặn, song thấm đẫm nỗi lo toan. Như dạo này gạo lên giá, rau xanh đắt hơn, cầm 50.000 đồng đi chợ cái vèo là hết. Cứ nghĩ đến những chuyện cơm áo đời thường, nhiều CN đã thấy nẫu cả ruột, chứ nói gì đến việc nuôi ước mơ đổi đời từ đôi tay và sức lao động của mình.
Vất vả mưu sinh
Thời buổi kinh tế suy thoái, vật giá ngày một tăng, đồng lương “mồ hôi nước mắt” của CN không khác gì giọt mưa đầu mùa rơi vào cánh đồng đang khô hạn. Để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn, ngoài việc thắt lưng buộc bụng, nhiều CN đã tìm cách làm thêm việc gì đó để tăng thu nhập.
Tan ca chiều, vừa rời khỏi công ty là Nguyễn Thị Phương Loan (quê Quảng Trị), CN Công ty Giày Bình Định, lại vội vàng đến giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình ở TP Quy Nhơn. Gần 21 giờ tối, Loan mới về đến nhà. Ba mẹ ở quê làm ruộng, em trai đang đi học, hàng tháng Loan phải gửi tiền về phụ ba mẹ. Mỗi tháng, từ công việc làm ngoài giờ, Loan có thêm 1,5 triệu đồng, cộng với tiền lương là hơn 3,5 triệu đồng. Gửi về nhà 2 triệu đồng, Loan chỉ còn hơn 1,5 triệu đồng/tháng để trang trải cho cuộc sống của mình.
Cũng như Loan, sau giờ làm tại công ty, anh Nguyễn Tấn Bình (quê Phù Mỹ), CN Công ty Cơ khí Quang Trung, phải làm thêm nhiều việc bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Công việc của Bình là ai kêu gì làm nấy, như sửa nhà, sửa điện, nước… Khách hàng của Bình là hàng xóm quanh khu anh ở trọ. Mỗi tháng, anh kiếm thêm được khoảng 1 triệu đồng để gửi về cho ba mẹ nuôi em.
Với những CN thất nghiệp đang chờ việc, nhiều người chọn cho mình cách mưu sinh tạm thời bằng những gánh rau, sọt hoa quả, bán hàng rong… Nguyễn Thị Tân, CN một công ty gỗ ở KCN Long Mỹ, trong khi chờ có việc làm trở lại đã chọn cách bán chuối chiên gần một trường học ở đây. Theo Tân, công việc này vốn ít, lãi cũng tàm tạm, và có thể nghỉ bất cứ khi nào nếu công ty gọi trở lại làm việc. Cũng như Tân, nhiều CN thất nghiệp cho biết, họ bám trụ ở đây với mong muốn chờ được quay lại công ty khi khó khăn qua đi, hoặc có thể tìm được công việc ổn định khác. Cũng có những CN chọn cách về quê xin việc hoặc làm ruộng…
NGỌC THÁI