Thực hiện chủ trương xây dựng đội ngũ công nhân (CN) thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm vừa qua, nhiều tổ chức, đoàn thể đã triển khai nhiều hình thức vận động CN nâng cao kiến thức, tay nghề. Đến nay, lứa CN đăng ký học lên trung cấp, cao đẳng, đại học sắp sửa ra trường. Tuy nhiên, khi đã sắp có tấm bằng trong tay, nhiều người trong số họ lại đứng trước một tương lai hết sức… mông lung. Vì sao vậy?
Chấp nhận đánh đổi
Trong buổi họp mặt những CN được nhận học bổng và vay vốn đi học do Quỹ Hỗ trợ CN TPHCM, trực thuộc Ban Quản lý các KCX-KCN TP tổ chức, một CN đang làm việc tại công ty gốm sứ trên địa bàn quận Bình Tân bày tỏ bức xúc: “Trong thời gian đi học, em bị trưởng bộ phận xếp thi đua loại B mặc dù bữa nào không đi học em đều nỗ lực vượt sức, đăng ký xung phong tăng ca, thậm chí là làm ban đêm. Lần đầu bị đánh giá như vậy, em có gặp giám đốc công ty để trình bày. Sau đó thì được nâng lên loại cao hơn. Nhưng rồi đến kỳ thi đua sau, em vẫn bị loại B. Chẳng lẽ lần nào cũng lên khiếu nại, mà làm CN muốn gặp giám đốc cũng đâu phải dễ”.
Từ khi bắt đầu vừa học vừa làm, anh Nguyễn Huy Dũng, CN KCX Tân Thuận, cũng đã nhiều lần phải đứng trước những quyết định khó khăn: “Có lần, tôi đang chuẩn bị thi hết môn thì công ty có thông báo yêu cầu toàn bộ CN tăng ca đột xuất để làm kịp đơn hàng. Tăng ca như vậy thì tiền thù lao sẽ được trả gấp đôi, gấp ba bình thường. Với đồng lương CN, lại vừa phải nuôi vợ con thì đó là khoản thu nhập hấp dẫn. Thế nhưng lúc đó mình vẫn quyết định đi thi vì nếu bỏ thi, sau này phải học lại, chưa chắc mình đã sắp xếp được thời gian để học, chưa kể tiền học phí sẽ đội lên, rất khó”.
Anh Nguyễn Hoàng Danh, CN làm việc tại KCX Tân Thuận, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Luật TPHCM lại vướng phải một khó khăn khác. “Thời gian học là buổi tối, nhưng trường lại xếp lịch thi vào ban ngày. Để theo học ban đêm, tôi đã phải xin công ty cho làm ca ngày. Mỗi lần đi thi, tôi phải xin nghỉ phép vì không thể xin chuyển ca làm đột xuất mãi được. Có khi nghỉ hết số ngày phép trong năm vẫn chưa đủ cho tất cả các môn” - anh kể.
Chưa kể chương trình cho vay vốn, chương trình cấp học bổng của Quỹ Hỗ trợ CN TP chỉ xét cấp cho những CN mà trong suốt quá trình học không bị thi lại môn nào. Đó là một yêu cầu cực khó đối với CN vừa đi học vừa phải tăng ca liên tục để đảm bảo cuộc sống. Vất vả, khó khăn nhưng hầu hết những CN đang theo học chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học đều xác định: Đi học là chấp nhận đánh đổi để đầu tư cho tương lai.
Cần biết định hướng tương lai
Đang là CN may, Duyên quyết định học trung cấp dược. Giờ sắp ra trường, nếu muốn làm đúng ngành, cô chưa biết sẽ xin việc ở đâu. Duyên tâm sự: “Em muốn xin vào làm ở công ty dược, làm ở khâu bào chế thuốc nhưng khó quá. Giờ chắc em sẽ đi bán thuốc. Nhưng lương bán thuốc thì thấp quá, không đủ sống”.
Quyết đoán hơn Duyên, Ngọc Hằng, cũng là CN may, chia sẻ: “Làm ở công ty cũ, lương hiện tại của em khoảng 3,5 triệu đồng, chưa kể tăng ca. Học xong trung cấp dược, em sẽ xin làm ở công ty dược và chấp nhận lương thử việc để lấy kinh nghiệm. Em còn muốn học lên đại học y dược”. Dĩ nhiên, đồng lương thử việc ở công ty mới sẽ thấp hơn mức lương hiện tại mà Hằng đang có. Quyết tâm là vậy nhưng Hằng vẫn không giấu được lo lắng khi tương lai phía trước khá… mơ hồ.
Ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TP, nhận định: Để đảm bảo một tương lai tươi sáng và phát triển trong nghề nghiệp, ngay từ đầu, CN cần phải chọn học đúng ngành mà xã hội đang cần, cụ thể hơn là DN đang cần. Thực tế, nhiều CN vẫn thích chọn những ngành thời thượng, xa lạ với công việc mà mình đang có như quản trị kinh doanh, đại học luật, y dược…
Trong khi những ngành mà DN luôn thiếu như cơ khí, kỹ thuật, điện, điện tử… thì lại ít ai chịu học. Trong bối cảnh sinh viên chính quy ra trường còn khó kiếm việc làm như hiện nay, nếu chọn những ngành thời thượng, vô tình các bạn đẩy mình vào thế khó. Tốt hơn hết là nên tìm hiểu và chọn hướng học sao để vươn lên ở chính công ty mình đang làm, vừa hợp lý vừa trọn nghĩa”.
Rõ ràng nếu không định hướng kỹ, cố chịu cực bằng mọi giá để lấy được tấm bằng đại học rồi lại nhảy việc hoặc gia nhập vào đội quân thất nghiệp, hoàn toàn không phải là con đường sáng của CN.
Mai Hương