Công tác cán bộ và sử dụng người tài

Tại Hội nghị lần thứ 4 Thành ủy TPHCM khóa IX, công tác quy hoạch cán bộ một lần nữa được đưa ra bàn thảo khá sâu. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã đánh giá: Mặc dù tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tăng hơn so với nhiệm kỳ trước và tỷ lệ cấp ủy viên nữ cao hơn mức yêu cầu của trung ương, tuy nhiên so với chỉ tiêu Thành ủy đặt ra, vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, ngoài việc tạo nguồn, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ, vấn đề đặt ra là phải tạo môi trường để cán bộ trẻ, nữ được thử thách và rèn luyện để trưởng thành.

Tại phiên bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã phát biểu, nhấn mạnh: Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện cán bộ phát huy được sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ không đúng thì không những bố trí, sử dụng cán bộ không đúng mà quan trọng hơn là làm mai một dần động lực phát triển, có khi thui chột những tài năng, làm cho chân lý bị lu mờ, vàng thau lẫn lộn, xói mòn niềm tin của đảng viên, quần chúng đối với cơ quan lãnh đạo… (Báo SGGP ngày 31-3-2011, trang 2).

Dư luận rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo sâu sát, nhìn thẳng vào thực tế về công tác cán bộ như trên. TPHCM có quy mô kinh tế và sự phát triển lớn nhất nước. Có quan điểm cán bộ đúng, biết sử dụng người tài, trẻ hóa đội ngũ và xây dựng lực lượng kế thừa thì mới có thể đảm đương trách nhiệm và giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước. Nói một cách khác, nếu sử dụng cán bộ đúng, trọng dụng hiền tài thì sẽ tạo ra một sức mạnh vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác cán bộ và sử dụng người tài có mối liên hệ mật thiết, gắn bó. Hiền tài là nguyên khí quốc gia - từ xưa ông cha ta đã chỉ rõ. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân tài luôn được coi là tài sản quý, là nguồn lực quan trọng để phát triển một tổ chức hoặc quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, ngay từ khi thành lập nước, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ và nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Cũng chính vì điều đó, trước những thách thức khắc nghiệt trong từng giai đoạn lịch sử, nước ta đã có những giải pháp hóa giải đúng đắn, tiếp tục đưa đất nước phát triển, vươn tầm vị thế như hiện nay.

Tuy vậy, trước đòi hỏi tình hình mới đất nước và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, lĩnh vực này đang bộc lộ những hạn chế: Thiếu chương trình tổng thể mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, trọng dụng nhân tài; chính sách đãi ngộ nhân tài chưa phát huy tác dụng, chưa thu hút nhiều người tài vào công tác trong hệ thống chính trị, ngược lại nhiều người tài đã rời bỏ khu vực công sang khu vực tư; chưa tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm toàn ý cho công việc… Hơn lúc nào hết, để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” và để có đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm với nhiệm vụ đất nước hiện nay đòi hỏi việc đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm phải phát huy tính dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức (Quyết định số 286-QĐ/TW), nêu rõ: “Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ, công chức”. Điều này nhằm tránh hiện tượng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” hoặc quá coi trọng “tính an toàn” của cơ quan, đơn vị khi đề bạt, cất nhắc cán bộ mà không xem xét kỹ năng lực cán bộ. Quyết định số 286-QĐ/TW cũng quy định rõ: “Đại diện của cấp ủy, tổ chức Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thông báo kết luận nhận xét, đánh giá, phân loại của cấp có thẩm quyền cho cán bộ, công chức được đánh giá biết”. Và “cán bộ, công chức có quyền trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo lên cấp trên trực tiếp những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân mình…”.

Trước thực tế phát triển đất nước và với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đòi hỏi cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng chiến lược về công tác cán bộ một cách căn cơ, sử dụng và trọng dụng người tài phù hợp với khả năng cống hiến của họ. Công tác này cần triển khai một cách xuyên suốt, thực hiện thống nhất, tạo ra sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển đất nước.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục