“Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể khẳng định và tự hào: công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển khá toàn diện của thành phố về kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân; cán bộ của Đảng được trưởng thành, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng phát triển; mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó mật thiết; phát huy sức sáng tạo, tiềm năng của Nhân dân để bảo vệ, xây dựng và phát triển TP” - Trả lời phỏng vấn Báo SGGP nhân kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM khẳng định như trên.
* PV: Điều đồng chí tâm đắc nhất khi nhìn lại những kết quả đạt được, nhất là trong 5 năm qua là gì?
* Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh: Điều tôi tâm đắc nhất chính là các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết thấu lý, đạt tình những bức xúc, nguyện vọng của Nhân dân. Dân chủ được mở rộng và nâng cao hơn, nhiều chủ trương của Thành ủy và các cấp ủy được sự đồng thuận xã hội cao. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của giới mình; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội,... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP.
* Dân vận khéo - một trong những phong trào hết sức có ý nghĩa của công tác dân vận, đã được các cấp trên địa bàn TP triển khai như thế nào thời gian qua, thưa đồng chí?
* Từ năm 2007, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của TPHCM phát động đến nay đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả. Đây là một điểm nhấn sáng tạo, vừa là nội dung, vừa là biện pháp thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị TP. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có bước phát triển mới, tiêu chí thi đua được xây dựng chi tiết cho từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể, giúp cơ sở thuận tiện trong tuyên truyền, vận động; việc bình chọn và tuyên dương gương điển hình cũng được các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện khá tốt; góp phần làm cho phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa sâu rộng. Qua 5 năm triển khai đã có 16.216 tập thể và 84.766 cá nhân được bình chọn, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” các cấp.
Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về công tác vận động Nhân dân của Đảng. Từ việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, các địa phương, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay và đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác vận động Nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân để nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
* Thành tựu là kết quả đã nhìn thấy rõ, tuy nhiên người dân vẫn còn “kêu” nhiều, phải chăng công tác dân vận của chúng ta ở nơi này, nơi kia vẫn còn hời hợt, hình thức, máy móc?
* Điều này phản ánh đúng thực tế hiện nay. Những năm qua vẫn còn không ít bức xúc của người dân chậm được giải quyết, công tác dân vận có lúc có nơi không đạt hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức và ý thức trách nhiệm về công tác dân vận hạn chế. Hiện tượng quan liêu, xa dân, chưa lắng nghe, tiếp thu ý kiến Nhân dân, thiếu tôn trọng dân vẫn còn ở nơi này, nơi khác; kỹ năng về phương pháp dân vận còn cứng nhắc, tính thuyết phục chưa cao. Không ít cán bộ, công chức thiếu gương mẫu... đã và đang gây phiền hà người dân là điều có thật và cần phải sớm được khắc phục.
* Theo đồng chí, khắc phục như thế nào để có kết quả nhanh và hiệu quả nhất?
* Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị TP cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác dân vận. Cán bộ dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sâu sát dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề do tình hình thực tế đặt ra trong đời sống xã hội. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải thực sự chất lượng, đi vào chiều sâu; chăm lo, bồi dưỡng các điển hình đã có, kịp thời phát hiện những điển hình và nhân tố mới, cách làm dân vận sáng tạo thực sự nổi trội ở cơ sở, từ đó tổng hợp để xây dựng mô hình và nhân rộng.
Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để huy động được nguồn lực Nhân dân và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân vào tất cả các phong trào do cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, khi đó, công tác dân vận mới thật sự thành công.
* Xin cám ơn đồng chí!
HỒNG HIỆP (thực hiện)