Năm 2017 cũng là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Trong đó, bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11- 12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Thiệt hại bão số 10 làm 6 người chết, 3.200 ngôi nhà bị sập đổ, gần 200.000 nhà bị tốc mái, nước dâng sóng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế... Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 18.402 tỷ đồng. Thiệt hại bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản bị cuốn trôi... Thiệt hại về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong năm vừa qua các đơn vị cứu hộ cứu nạn đã huy động tổng số 469.624 lượt người và 9.793 lượt phương tiện các loại trực tiếp tham gia giúp chính quyền và nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá và tìm kiếm cứu nạn.
Trong đó, lực lượng quân đội đã huy động 357.572 lượt người và 6.596 lượt phương tiện (tàu, xuồng, ca nô, ô tô…). Các lực lượng khác là 112.052 người và 3.197 phương tiện các loại.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì hiện nay công tác cứu hộ cứu nạn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế.
Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai chưa được quan tâm đầy đủ. Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm khi ứng phó với bão mạnh; chưa cương quyết sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất. Khi tai nạn tàu thuyền trên các vùng biển xa, vùng cửa sông, cửa biển xảy ra nhiều, đề nghị sử dụng trực thăng tìm kiếm cứu nạn nhưng nhiều trường hợp chưa phù hợp; xử lý trục vớt, cứu hộ và ứng phó nguy cơ tràn dầu do tàu bị mắc cạn, bị chìm còn bất cập.
Một số địa phương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai chưa sát với thực tế. Do đó, khi xảy ra thiên tai, việc triển khai ứng phó và cứu hộ, cứu nạn còn lúng túng, bị động. Trong quy hoạch, xây dựng các công trình chưa chú trọng đến lồng ghép với yếu tố phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du các hồ, đập thủy lợi, thủy điện còn tiểm ẩn sự cố, chưa được quan tâm đầy đủ, đe dọa đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ngoài ra, việc bảo đảm trang bị, phương tiện, vật tư cho các lực lượng tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, khi có nhiều tình huống xảy ra trong cùng một thời điểm, những trang bị hiện đại, chuyên dụng còn thiếu. Ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn khó khăn.