Công tác tiếp dân vẫn còn yếu kém

* So với cùng kỳ năm 2015, số đơn tố cáo tăng 31,3%; số vụ việc tố cáo tăng 2,3%
Công tác tiếp dân vẫn còn yếu kém

* So với cùng kỳ năm 2015, số đơn tố cáo tăng 31,3%; số vụ việc tố cáo tăng 2,3%

(SGGPO).- Tiếp tục chương trình nghị sự của phiên họp thứ 4, sáng 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này nhìn nhận, trong kỳ báo cáo, nước ta có nhiều sự kiện chính trị lớn, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều cố gắng, quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, cũng như giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài...

Ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp sáng 4-10

Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được cải thiện

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày tại phiên họp, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về các vấn đề như: nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng; những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả tiếp công dân chưa cao; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với năm 2015 (năm 2016 giải quyết chỉ đạt 78,6%, năm 2015 giải quyết đạt 81%) và chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra (trên 85%)...

Đáng lưu ý, tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%); hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23-11-2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

“Việc làm rõ nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại sẽ là cơ sở để đề ra các giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại đó. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần được rà soát, chỉnh lý, bổ sung về số liệu (đến 30 tháng 9 năm 2016) nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất số liệu với các ngành, báo cáo đầy đủ với Quốc hội về thực trạng tình hình khiếu nại, tố cáo“, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Xuất hiện những nguyên nhân mới

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, trong năm qua số lượng khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, nhiều vụ việc cũ chưa giải quyết xong lại phát sinh khiếu nại, tố cáo mới. Về cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, như về khiếu nại chủ yếu là đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, còn về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản...

Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân đã tồn tại từ nhiều năm trước, chưa được khắc phục thì đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo như việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng quá khích như thời gian qua ở một số tỉnh miền Trung.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực này có dấu hiệu “quá tải” và không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ như Báo cáo nêu, từ đó có giải pháp khắc phục cụ thể.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo hiện nay là tình trạng không thống nhất việc xử lý, giải quyết của giữa các cơ quan có thẩm quyền các cấp; có trường hợp việc khiếu nại được cơ quan hành chính địa phương giải quyết đúng pháp luật nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại thì cơ quan cấp trên lại có văn bản đề nghị xem xét, giải quyết dẫn đến khiếu nại kéo dài, gay gắt, phức tạp. Cá biệt có trường hợp người cố tình khiếu nại được giải quyết có lợi hơn dẫn đến những người nghiêm chỉnh chấp hành trước đó cho là bị thiệt thòi, không công bằng làm phát sinh thêm khiếu nại.

Khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp

- So với cùng kỳ năm 2015, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, khiếu nại giảm trên tất cả các mặt như số lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm 9,6%, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015 thì lại tăng 31,3% số đơn tố cáo và tăng 2,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 29.117/37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,6% (giảm 2,4% so với năm 2015); trong đó, có một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cao, khá cao (trên 80%); tuy vậy, cũng có nhiều địa phương tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp (dưới 65%).

(Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục