(SGGPO).- Chiều nay, 23-5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Chủ trì cuộc họp báo gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải; Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu; Vụ trưởng Vụ luật pháp và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Thanh Hà và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết, thời gian qua, dù Việt Nam đã thể hiện thiện chí nỗ lực tìm mọi biện pháp hòa bình, tận dụng mọi cơ hội kênh đối thoại để giải quyết vấn đề giàn khoan Hải Dương 981; nhưng Trung Quôc vẫn duy trì, gia tăng tàu, có tàu quân sự nhằm uy hiếp đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam; đồng thời Trung Quốc liên tục vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam về tình hình ở Biển Đông, đưa ra luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Ông Bình khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ theo quy định luật pháp quốc tế.
Ông Trần Duy Hải đã trình bày cơ sở pháp lý, bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và nêu rõ, bất chấp giao thiệp của Việt Nam ở nhiều cấp, nhiều hình thức khác nhau, Trung Quốc không chấm dứt hành động vi phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần yêu cầu TQ rút giàn khoan, không để ảnh hưởng an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mọi thiện chí của Việt Nam không được Trung Quôc đáp ứng, đưa nhiều thông tin sai lệch liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Trần Duy Hải cho biết, năm 1974, Trung Quốc đã sử dựng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp. Bị vong lục 1988 của Trung Quốc, văn bản chính thức của Trung Quốc khẳng định nguyên tắc: Xâm lược không sinh ra chủ quyền. Thực tế, trên thế giới không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập lãnh thổ chủ quyền, không đề cập hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ nêu rằng Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc công bố. Sau phần tóm tắt tư liệu lịch sử, ông Hải giới thiệu với báo chí video 4 thứ tiếng giới thiệu các bằng chứng lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo ông Trần Duy Hải, gần đây Trung Quốc nói Hoàng Sa là của Trung Quốc, là đi ngược lại tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận hai bên có tranh chấp ở Hoàng Sa và cần bàn bạc để giải quyết. "Trung Quốc không nên nói và làm ngược theo ý lãnh đạo cấp cao của họ. Những luận điểm Trung Quốc nêu ra không có cơ sở pháp lý nào chứng minh luận điệu của họ. Quan điểm và việc làm của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò đang bị dư luận quốc tế phản đối và Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình" - ông Hải nhấn mạnh.
Ông Đỗ Văn Hậu đã trình bày rõ ràng quá trình thăm dò khai thác hợp pháp dầu khí của Việt Nam trên thêm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã triển khai thăm dò trên toàn lãnh thổ từ cuối 1950, đầu những năm 1960. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa triển khai cuối những năm 1960, đầu 1970. Cuối 1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã khảo sát. Tất cả hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác đều thực hiện trong khuôn khổ giới hạn, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các hoạt động dầu khí của PVN và đối tác nước ngoài triển khai bình thường trong khuôn khổ vùng đặc quyền kinh tế, phù hợp Công ước Luật biển 1982, đều hoạt động công khai, trong mọi hội thảo đều được giới thiệu và không có bất cứ sự cản trở nào.
Trả lời câu hỏi của báo chí: Phía Trung Quốc nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi Công thư cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa, điều này có đúng không? Công thư có phải là một tuyên bố có giá trị pháp lý không? Nếu không thì công thư này mang ý nghĩa gì? Ông Trần Duy Hải khẳng định: Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong công thư. Trong đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, Công thư đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Hải nhấn mạnh, giá trị của Công thư phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc vào thời điểm Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Geneve mà Trung Quốc có tham gia. "Bạn không thể cho người khác cái mà bạn chưa có được. Công thư không có giá trị công nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa" - ông Hải nhấn mạnh.
Tin, ảnh: TRẦN BÌNH