Được biết đến với thương hiệu cá nhân “ông vua” xuất khẩu cá tra - ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Công ty Cổ phần Hùng Vương (CTCP Hùng Vương) - một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt tài ba của vị doanh nhân đam mê hơn 30 năm gắn bó với ngành thủy sản, CTCP Hùng Vương đã không ngừng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Được thành lập từ năm 2003, đến nay CTCP Hùng Vương ghi dấu 10 năm vững vàng trên đầu ngọn sóng…
10 năm vững vàng trên đầu ngọn sóng
Năm 2003, Công ty Cổ phần Hùng Vương chính thức được thành lập tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương. Hành trình 10 năm với những dấu ấn bứt phá ngoạn mục, Hùng Vương vươn mình trở thành một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của cả nước, triển khai thành công mô hình khép kín nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy hải sản tiêu chuẩn quốc tế, đưa thương hiệu xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam đến với thị trường thế giới.
Chiến lược phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra đã giúp Hùng Vương vượt qua những thách thức khắc nghiệt của ngành thủy sản, vốn được coi là ngành “trên đầu ngọn sóng” với rất nhiều rủi ro như biến động nguyên liệu, rủi ro thị trường trong điều kiện các nước nhập khẩu làm khó cá tra Việt Nam rồi đến thuế chống bán phá giá là các ví dụ điển hình nhất. Với kết quả kinh doanh liên tục năm sau cao hơn năm trước cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ, Hùng Vương không những ngoạn mục vượt thách thức mà còn khẳng định 10 năm phát triển là 10 năm vững vàng trên đầu ngọn sóng. Năm 2003 - năm đầu tiên thành lập, doanh số của Hùng Vương đạt 8 tỷ đồng, cho đến 2012, doanh số đạt được là 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 1.000 lần, lợi nhuận trước thuế đạt 322,3 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13,11%, đặc biệt, cổ tức thực hiện chia bằng tiền mặt. Đồng thời, lực lượng lao động từ 400 CBNV đến nay tăng hơn 30 lần với đội ngũ 12.000 CBNV. Sau 10 năm phát triển, tốc độ tăng trưởng của Hùng Vương đã tăng lên gấp 150 lần, lực lượng lao động tăng lên gấp 30 lần. Với quá trình đầu tư bài bản, lâu dài và mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển của ngành thủy hải sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đồng thời với thành công từ tốc độ tăng trưởng vượt bậc; Hùng Vương đang từng bước tiến đến đến các “mốc” chỉ tiêu năm 2013, với doanh số dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng, lực lượng lao động đạt 15.000 người. Hướng đến kế hoạch trung hạn năm 2015, Hùng Vương sẽ là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành thủy sản có doanh số tính bằng tỷ đô la.
Và khát vọng căng buồm ra biển lớn của “ông vua” xuất khẩu cá tra Việt Nam
|
Ngôi vị của ông chính là con cá tra Việt Nam tung mình ra biển lớn thể hiện trên logo của Công ty Hùng Vương. Hơn 30 năm tuổi nghề của ông chủ tịch CTCP Hùng Vương - Dương Ngọc Minh đều gắn chặt với loài cá tra, con tôm. Mọi buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống của ông đều có sự hiện diện của giống cá này, từ lúc ở lực lượng thanh niên xung phong (năm 1978), cho tới khi trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc như hiện nay. Từ khi là chàng trai tuổi 20 đầy nhiệt huyết, hơn 30 năm đã qua với không ít những biến cố và thành công, nhưng sự nồng nhiệt, đam mê với con tôm, con cá tra ở ông không hề thay đổi. Khát vọng đưa thủy sản Việt Nam ra thế giới luôn là trăn trở lớn để những tìm tòi, sáng kiến “thắp” lên ánh sáng trong những hoàn cảnh tưởng chừng như khó khăn, bế tắc. Ông Minh chia sẻ, cá tra là ngành kinh doanh ổn định. Cá nuôi được quanh năm chứ không theo mùa vụ như các thủy sản khác, lại giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là biến động nguyên liệu. Có năm, nhà nhà đào ao thả cá tra do trước đó nhiều gia đình phất lên nhờ nuôi loài cá này. Đến lúc cung vượt quá cầu, giá cá tra rớt thảm hại, người nuôi phải bán tống bán tháo hàng nghìn tấn, treo ao hàng loạt. Những năm sau đó, nguyên liệu cho ngành không đủ, giá cá tra lại tăng vọt. Để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc nhiều vào cung cầu nguyên liệu trên thị trường, một số doanh nghiệp thủy sản chủ động đầu tư, ký hợp đồng với nông dân để họ biết rõ nuôi để bán cho đơn vị nào. Bản thân HVG còn đầu tư dây chuyền tự sản xuất thức ăn, kiểm soát chất lượng thức ăn cho cá. Và do vậy, 2,8kg cá nguyên liệu do Hùng Vương nuôi trồng thu về hơn 1kg phi lê, thay vì phải hơn 3,2kg cá nguyên liệu mua ở ngoài. Rủi ro lớn thứ hai là các nước nhập khẩu làm khó con cá tra Việt Nam, mà thuế chống bán phá giá là ví dụ điển hình nhất. Điều này đã và đang ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Từ thực tế này, chiến lược phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra ra đời - chính là sáng kiến, tầm nhìn của Tổng Giám đốc CTCP Hùng Vương. Theo ông, phải quy hoạch lại sản lượng xuất khẩu, không nên phát triển nóng quá, mà cần chú trọng ở khâu chất lượng hơn nữa. Còn các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế quảng bá sản phẩm như những năm qua, theo ông Minh, nên được dùng để xây dựng bộ quy chuẩn về thủy sản.
Quãng thời gian lăn lộn với nghề, với các vụ kiện trong ngành thủy sản, hay những biến động về nguyên liệu đã trau dồi những kinh nghiệm ứng phó và bản lĩnh của “người cầm lái” doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu cả nước. Không là ngoại lệ trong những khó khăn chung của ngành thủy sản và các doanh nghiệp trong nước với bộn bề nỗi lo về giống, vốn, thị trường… Nhưng với kinh nghiệm và chiến lược, tầm nhìn xa của nhà sản xuất - xuất khẩu thủy sản quy mô, uy tín, “ông vua” xuất khẩu thủy sản Dương Ngọc Minh vững tin vượt qua các rào cản thương mại xuất phát từ xu hướng bảo hộ ngành thủy sản nội địa ngày càng tăng ở các thị trường mục tiêu, đưa khát vọng thủy sản Hùng Vương tiếp tục “căng buồm ra biển lớn”.
HỒNG MINH - SÔNG HƯƠNG