Năm 2011, ngành nhựa Việt Nam đối mặt với hàng loạt thách thức lớn: lãi suất ngân hàng tăng; tỷ giá biến động; giá nguyên liệu tăng cao… đã khiến cho khoảng 400 doanh nghiệp ngành nhựa ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, Công ty CP Nhựa Sài Gòn lại thu được kết quả thật ấn tượng: mức tăng trưởng doanh thu đạt 123,5% so kế hoạch và 128,6% so cùng kỳ năm 2010; lợi nhuận đạt 118,9% so kế hoạch và đạt 236,4% so với năm 2010; thu nhập người lao động được nâng cao… Kết quả không chỉ mang lại ở những con số nói trên…!
Thắng trên “sân khách”
Dấu ấn để lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Nhựa Sài Gòn năm 2011 chính là những chiến công đầu tiên trên “sân khách”! Giản dị, từ tốn, ông Võ Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Sài Gòn chia sẻ: Nhà máy Saplast Vientaine của công ty được đầu tư tại Lào từ năm 2005 đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Chính việc nghiên cứu, định hướng lại sản phẩm phù hợp với thị trường Lào đã giúp Công ty TNHH Saplast Vientaine phát huy hiệu quả. Doanh thu tăng trưởng đến 30%; công suất nhà máy đã đạt mức 85% trong năm 2011.
Với những sản phẩm chủ lực phục vụ ngành công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và nông thôn (mặt hàng ống nhựa PE chiếm 70%) nhà máy còn sản xuất các mặt hàng công nghiệp và hàng gia dụng khác đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường Lào. Theo ông Phong, mặc dù đã tăng ca, tăng năng suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp các đơn hàng, một số đơn hàng sản xuất ổn định trong năm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài tại Lào như: Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hiệu quả của dự án không chỉ đơn thuần là mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận mà còn mang ý nghĩa quan trọng khác là góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 40 lao động trên đất nước bạn; trong số đó có 2 cán bộ có trình độ đại học tham gia trong công tác quản lý. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, nhà máy đã xây dựng được 4 nhà lưu trú khang trang với không gian thoáng mát. “Có được chỗ ở ổn định, người lao động Lào càng yên tâm gắn bó với công việc, có trách nhiệm với đơn vị, hòa đồng với nhau trong một ngôi nhà chung”, ông Phong tâm sự.
Sản phẩm có mặt tại công trình hiện đại nhất Đông Nam Á
Những khởi sắc của Công ty TNHH Saplast Vientaine tại Lào đã củng cố niềm tin cho lãnh đạo công ty. Đối với Công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn tại Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí thương hiệu của mình với những sản phẩm đặc thù riêng biệt. Nhựa Sài Gòn luôn chú trọng đến những sản phẩm hiện có bằng chất lượng ổn định, giá cả linh hoạt, các chương trình chăm sóc khách hàng… Chính điều này đã giúp công ty có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần gia tăng doanh số. Phân tích sâu kết quả toàn diện, lãnh đạo đơn vị cho biết: tỷ trọng một số mặt hàng tiêu thụ tăng mạnh như: composite (tăng 186,7%), gia công tạo hạt nhựa (tăng 107,8%), nhóm sản phẩm thùng rác công cộng đã có bước tăng trưởng cao trong năm…
Đặc biệt, năm qua sản phẩm dải phân cách giao thông bằng nhựa của công ty đã có mặt tại công trình giao thông hiện đại nhất Đông Nam Á - hầm vượt sông Sài Gòn, như một bước tiến mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với ưu điểm của dải phân cách giao thông như: dễ vận chuyển, lắp đặt, độ bền cao, rất hiệu quả trong việc phân luồng giao thông, giảm thiểu tai nạn…
Đạt được kết quả khả quan trong bối cảnh ngành nhựa có nhiều khó khăn không phải là điều dễ dàng. Chính việc nghiên cứu, nhận định chính xác những chuyển biến của nền kinh tế nên Nhựa Sài Gòn đã chủ động kịp thời ứng phó trước các diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, việc quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ cũng như chỉ đạo của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (công ty mẹ), Nhựa Sài Gòn đã thực hiện triệt để việc tiết kiệm các chi phí đầu vào, trong đó tiết kiệm điện trong sản xuất làm lợi hàng trăm triệu đồng trong năm, hạn chế tối đa đầu tư dàn trải.
Mở rộng thị trường, đầu tư chiều sâu
Phát huy thành quả đạt được của năm 2011, Ban lãnh đạo Công ty CP Nhựa Sài Gòn đề ra chỉ tiêu năm 2012 đạt mức tăng trưởng trên 10% so với mức tăng trưởng của năm 2011. “Dự đoán năm 2012 ngành nhựa Việt Nam tuy còn nhiều thách thức lớn nhưng chúng tôi tin tưởng mục tiêu đề ra sẽ đạt được”, ông Võ Hồng Phong khẳng định. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ, công tác di dời nhà máy sản xuất của đơn vị vào khu công nghiệp tập trung của TP sẽ được thực hiện trong năm 2012. Đây sẽ là bước ngoặt giúp cho Nhựa Sài Gòn ổn định sản xuất, mở rộng quy mô qua việc đầu tư trang bị máy móc hiện đại.
Cũng trong năm 2012, Nhựa Sài Gòn sẽ tiếp tục cho ra đời 5 dòng sản phẩm mới phục vụ trong ngành giao thông công chánh, môi trường đô thị và thủy hải sản, nông sản... với chính sách chất lượng đã công bố “Công ty CP Nhựa Sài Gòn cam kết nhận trách nhiệm trước mỗi khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ do công ty cung cấp” công ty cũng đã có kế hoạch phát triển mạng lưới đại lý tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên sản phẩm của Nhựa Sài Gòn sẽ kết nối mạng lưới tiêu thụ khắp cả nước.
Phân tích tình hình hoạt động của các nhà máy, công ty con tại Lào, lãnh đạo Công ty CP Nhựa Sài Gòn cho biết: Nhu cầu về sản phẩm nhựa phục vụ trong ngành xây dựng, thoát nước đô thị, môi trường, các ngành công nghiệp còn nhiều tiềm năng tại Lào. Do vậy trong năm 2012, doanh nghiệp quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới trị giá khoảng 300.000 USD, thu hút thêm 20 lao động tại Lào.
PHẠM – MAI – ANH