Công tác giải phóng mặt bằng hiện nay của dự án Công viên hoang dã Safari ở Củ Chi TPHCM so với 2 năm trước đây vẫn không có gì thay đổi, nói cách khác là công tác này triển khai còn quá chậm. Đến nay, Ban bồi thường - giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi đã bồi thường được 682/705 hộ dân, còn 23 hộ dân chưa giải tỏa được mặt bằng, không khác so với năm 2011. Đặc biệt là khu tái định cư rộng 28,5ha nằm trong khuôn viên của công viên cho tới giờ vẫn là mặt bằng đất trống, chưa xây dựng một hạng mục hạ tầng nào để tái định cư hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.
Một cán bộ của Ban bồi thường - giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi thừa nhận việc này chủ yếu là đi vận động, còn tái định cư thì đang trình dự án lên Sở Xây dựng; có khả năng dự án được phê chuẩn cuối năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có ghi vốn cho khu tái định cư và quy hoạch cũng chưa được phê duyệt.
Còn đối với việc triển khai ý tưởng xây dựng công viên Safari cũng chưa đâu vào đâu. Đầu năm 2011, Hội đồng tuyển chọn TP đã chọn ý tưởng của công ty tư vấn Singapore và trình thành phố phê duyệt để công ty tư vấn tiếp tục lập quy hoạch 1/2000 cho dự án sau khi bổ sung thêm ý kiến đề xuất về tính khả thi hiệu quả kinh tế và đào tạo nhân lực chuẩn bị cho dự án. Từ đó đến nay công việc trên triển khai chậm lại chỉ vì chưa thống nhất về giá thương thảo của công ty tư vấn Singapore. Trưởng Ban quản lý dự án công viên hoang dã Safari Nguyễn Minh Hải giải thích: “Cuối năm 2011, TP thành lập tổ thương thảo giá, từ đó cho đến nay làm việc với công ty nhiều lần, họ chào giá hơi cao, 300 USD/1 giờ, sau này đàm phán giảm còn 200 USD/1 giờ, nếu chia 456ha thì giá này rẻ hơn”.
Nếu tính theo giờ để lập thiết kế ban đầu giảm xuống còn 200 USD/giờ thì tổng giá trị thiết kế chỉ còn 435.000USD, mức giá có thể chấp nhận được. Thế nhưng theo chủ đầu tư là Thảo Cầm Viên, đầu năm 2013, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 01 có hiệu lực từ năm 2013 có quy định đối với đơn vị tư vấn lập thiết kế 1/2000 của nước ngoài với giá dự án ban đầu không được quá 3,5 lần so với giá ở Việt Nam. Như vậy từ giá thỏa thuận với công ty tư vấn là 435.000USD, theo Thông tư 01 của Bộ Xây dựng thì tính toán lại giảm xuống chỉ còn 228.000USD, với giá này khó thuyết phục Công ty Tư vấn Singapore đồng ý.
Tất nhiên trong Thông tư 01 của Bộ Xây dựng có điều khoản cho phép trong trường hợp đặc biệt có thể đề xuất để bộ xem xét quyết định. Vì thế cuối tháng 9-2013, chủ đầu tư mời công ty tư vấn qua Việt Nam thương thảo lại giá theo quy định của Thông tư 01 nhưng vẫn chưa có sự thống nhất. Theo phía Thảo Cầm Viên, trường hợp công ty tư vấn Singapore đề nghị một giá khác cao hơn mức giá của quy định Thông tư 01 thì công ty phải cung cấp thêm những hợp đồng để làm cơ sở thuyết minh trình UBND thành phố xin ý kiến rồi gửi ra Bộ Xây dựng quyết định.
Từ nay đến cuối năm 2013 được Bộ Xây dựng phê chuẩn xong giá trên, trong vòng 4 tháng, công ty tư vấn lập thiết kế kỹ thuật dự án xong trình duyệt thêm 2 tháng nữa thì đến giữa năm 2014 có thể cho bắt tay thực hiện đầu tư các hạng mục của dự án. Đó là dự kiến, trong trường hợp công ty tư vấn không đồng ý với giá của Bộ Xây dựng thì còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa để mời công ty tư vấn khác.
Chính vì thế mà mặt bằng đã giải tỏa và thu hồi xong không còn sự chọn lựa nào khác là phải đầu tư phủ cây xanh, tiêu tốn thêm tiền ngân sách, số tiền phủ xanh mặt bằng mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, con số không phải là nhỏ trong tình hình ngân sách TP đang khó khăn.
NGỌC XUÂN