Cốt cách con người qua tà áo

Lần đầu tiên TPHCM tổ chức Lễ hội áo dài vào dịp 8-3 năm nay là một trong những sự kiện được người dân và du khách quan tâm nhất. Tự bao đời, tà áo dài đã trở thành hình ảnh nhận diện độc đáo của con dân nước Việt. Thực sự, nói bao nhiêu cũng không đủ, bởi dẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử, tà áo dài vẫn vẹn nguyên nét thuần khiết, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội áo dài lần đầu tiên này được điểm xuyết qua các buổi tọa đàm với những nhà thiết kế, nhà văn hóa nói về sự chân mỹ của chiếc áo dài Việt Nam.

Không chỉ mang vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc tà áo dài còn ẩn chứa ý nghĩa tính nhân văn về đạo làm người của cha ông. Cùng với đó, nhiều nhân chứng lịch sử nói về ý nghĩa tà áo dài trong quá trình đấu tranh cách mạng. Theo “đường dẫn” ấy chắc chắn sự kiện Lễ hội áo dài sẽ giúp công chúng nhuận sắc thêm giá trị văn hóa mang nét truyền thống của các bậc tiền nhân.

Đối với du khách trong và ngoài nước, tà áo dài luôn là hình ảnh rất ấn tượng, mang nhiều ý nghĩa. Khi lựa chọn, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, yếu tố bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống luôn là “trụ cột” trong chiến lược đầu tư. Do vậy, việc giới thiệu, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các sự kiện, lễ hội chính là để khái quát và khẳng định những giá trị do cha ông để lại.

Ăn và mặc, hai nhu cầu thiết yếu của con người. Đến nay, người dân cả nước ta đã không chỉ ăn no, mặc ấm mà ăn ngon, mặc đẹp được nhiều người chọn để thể hiện phong cách sống của riêng mình. Chính vì những nhu cầu ấy, thời gian qua, TPHCM đã đầu tư, đa dạng hóa nội dung các sự kiện như Liên hoan ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan món ngon các nước để du khách thưởng thức những giá trị ẩm thực được cha ông truyền lại.

Trong việc mặc, sự tinh tế của tà áo dài Việt Nam, đã khiến người phụ nữ nước ta trở nên gợi cảm một cách kín đáo, phù hợp với vóc dáng hình thể người Việt. Từ đó áo dài Việt Nam đã tạo nên nét duyên dáng, vẻ đẹp và phong cách riêng. Chính cái nét-dáng-vẻ đã làm nên cốt cách người Việt qua trang phục.

TPHCM hôm nay hay Hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa, tuy được thiên nhiên ưu đãi, không gánh chịu nhiều thiên tai nhưng danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, một điều ai cũng thừa nhận, sự năng động sáng tạo, nghĩa tình của người dân thành phố đã tạo nên sức hấp dẫn riêng, một “tài sản” vô giá của thành phố mang tên Bác.

Chính vì lẽ đó, sự kiện Lễ hội áo dài TPHCM nằm trong định hướng xúc tiến, đầu tư những hoạt động, sự kiện lễ hội mang tính truyền thống, vừa tạo thêm điểm nhấn để thu hút du khách đến thành phố vừa khẳng định: TPHCM luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện.

Để Lễ hội áo dài trở thành sự kiện thường niên diễn ra một cách bài bản, xứng tầm với giá trị truyền thống của cha ông, rất cần sự quan tâm đóng góp ý kiến của các cơ quan truyền thông, công chúng tham dự. Từ đó, các cơ quan chức năng liên quan sẽ rút kinh nghiệm, cải tiến nội dung, để công tác tổ chức lần sau quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn, độc đáo hơn, góp phần đưa hình ảnh tà áo dài Việt Nam trở nên thân thuộc với bạn bè quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ hội lần sau, Ban tổ chức sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế, mời Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ tham dự để cùng phân tích, thảo luận về sự tinh tế và nét độc đáo của tà áo dài Việt Nam.

Tất nhiên, muốn Lễ hội áo dài trở thành điểm hẹn ấn tượng trong lòng du khách, cần đa dạng hóa chủ đề. Khi đã trở thành điểm hẹn, du khách tham dự sẽ không phân biệt lễ hội của địa phương hay thành phố, nước ngoài, mà mẫu số chung là cùng yêu, cùng thưởng lãm một giá trị thẩm mỹ đích thực. Năm 2015, chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Để dịp lễ đặc biệt này thêm tưng bừng, ý nghĩa, Lễ hội áo dài 2015 sẽ được thiết kế quy mô hơn, ấn tượng hơn. Khi đó chúng ta có thể hy vọng rằng, TPHCM có thêm một tên gọi thật trìu mến, thân thương: Thành phố áo dài.

LÃ QUỐC KHÁNH
(Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM)

Tin cùng chuyên mục