Theo bản chỉ số tín nhiệm thương mại (Trade Confidence Index) do Ngân hàng Anh quốc HSBC công bố ngày 4-5, Việt Nam đứng hàng thứ 3 với 132/200 điểm, sau Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (134 điểm) và Ấn Độ (133 điểm) trong bảng xếp hạng tổng thể về mức độ tin tưởng vào triển vọng công cuộc kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế. Điều đáng chú ý là bảng chỉ số này được thực hiện dựa trên cuộc thăm dò ý kiến của 5.100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 17 nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Mỹ và châu Âu.
Kết quả ghi nhận trong cuộc thăm dò mà HSBC công bố cũng trùng hợp với một bản chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2010 (FDI Confidence Index) của Công ty Tham vấn kinh doanh quốc tế A.T. Kearney thực hiện gần đây: Việt Nam đứng thứ 12 trong số hơn 80 quốc gia được giới đầu tư quốc tế tin tưởng nhất và đứng đầu danh sách các nước Đông Nam Á.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang khó khăn với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tiếp theo sau khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha thì Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp thế giới đánh giá cao không chỉ là một tín hiệu đáng mừng mà còn là sự khẳng định chính sách phát triển cũng như các biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn.
Khi các nước phát triển dùng những gói kích cầu hỗ trợ cho các ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn với hy vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm, ngược lại, Việt Nam dùng gói kích cầu để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, tạo thêm việc làm mới và hạn chế việc cắt giảm lao động, miễn và giảm thuế, đầu tư cho chương trình nhà ở xã hội. Ngay thời điểm đó có ý kiến cho rằng đó là biện pháp sai lầm vì phải đầu tư cho những công ty lớn, mang lại nhiều ngoại tệ và những dự án mang lợi ích kinh tế cao, chứ không nên đầu tư vào những chính sách chỉ mang lại hiệu quả xã hội giữa lúc khủng hoảng kinh tế đã xuống tận đáy. Nhưng có một thực tế là việc làm và nhà ở là hai nhu cầu cơ bản của người dân và khi người dân được đáp ứng hai nhu cầu đó chắc chắn sẽ yên tâm, dẫn đến ổn định xã hội.
Các nhà kinh tế đang khuyên các nước chọn chính sách quay về trong nước, điều đó không chỉ có nghĩa là sản xuất phục vụ nội địa mà phải có chính sách tạo việc làm mới, cung cấp nhà ở cho người dân. Những biện pháp như vậy không chỉ mang lại hiệu quả xã hội mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế, bởi khi có việc làm sẽ có thu nhập, có nhà ở sẽ yên tâm chi tiêu, góp phần thúc đẩy sản xuất.
Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng, nhà hoạch định chính sách của triều Lê đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. “Yên dân” ngày nay đang được ưu tiên trong các chính sách của Việt Nam. Trong một đợt trả lời khảo sát của AP, có đến 85% người Việt Nam đã tin tưởng vào sự phát triển kinh tế đất nước và 81% khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng.
VIỆT TRUNG