Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của TPHCM tăng đến 1,68% - cao nhất trong vòng 17 tháng qua. Nếu tính chung 2 tháng đầu năm, CPI lên gần 3%. Trong khi đó, giá xăng đang tăng, giá điện sắp tăng, liệu lạm phát có quay trở lại? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Dư Quang Nam, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM xung quanh các chỉ số “nóng” này.
- PV: Là người dự báo các con số, ông có ngạc nhiên khi chỉ số CPI đầu năm tăng cao, cao hơn cả cùng kỳ năm trước không, thưa ông?
- TS DƯ QUANG NAM (ảnh): Theo tôi không có gì lạ cả. Chỉ số giá tăng cao sau tết là đúng quy luật. Lấy chỉ số CPI 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước (1,35%) thì cao, nhưng so với các năm 2006, 2007, 2008 thì lại thấp (2 tháng đầu năm 2006 tăng 3,3%; 2007 tăng 4,25%; năm 2008 tăng 5,18%).
- Vì sao CPI đầu năm nay lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái? Giá tăng tập trung chủ yếu ở những loại mặt hàng nào, thưa ông?
- Các mặt hàng tết tăng chủ yếu ở lương thực, thực phẩm. Lương thực là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn và trong 2 tháng đầu năm đã tăng đến 9,79%, trong khi cùng kỳ năm trước lại giảm 0,45%. Nguyên nhân, do năm nay giá gạo xuất khẩu tăng làm giá trong nước cũng tăng theo, còn năm trước do tạm ngừng xuất khẩu gạo nên giá gạo giảm.
- TPHCM có chương trình bình ổn giá, vậy tại sao giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao, thưa ông? Phải chăng chương trình bình ổn giá chưa phát huy hiệu quả?
- Nếu không có chương trình bình ổn giá, giá sẽ tăng cao hơn. Hà Nội cũng có chương trình bình ổn giá nhưng chỉ số CPI tháng 2 của Hà Nội lên đến 2,61%, cao hơn nhiều so với TPHCM. Con số đó cho thấy chương trình bình ổn giá của TPHCM đã phát huy tác dụng.
- Với giá xăng tăng lần 2, cộng với việc ngành điện chuẩn bị tăng giá, nguy cơ lạm phát có thể tái diễn?
- Việc điện, xăng tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy nhiên chúng ta có thể ví von giá cả như cơ thể con người ở trong khoảng nhiệt độ từ 37°C - 37,5°C là bình thường, chỉ khi nào cao hơn hoặc thấp hơn giới hạn đó sẽ phát sinh vấn đề. Do vậy, nếu chỉ số giá tăng thấp (thiểu phát) như đầu năm 2009 cũng làm cho GDP yếu đi, nếu tăng cao như đầu năm 2008 (lạm phát) cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất. Do vậy, chỉ cần giữ vững sản xuất là được. Mà con số cho thấy, 2 tháng đầu năm nay công nghiệp tăng 17%, thương mại nếu chưa trừ giá thì tăng 34% là tín hiệu phát triển.
- Nhưng giá xăng đã tăng, sắp tới giá điện sẽ tăng, sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, thưa ông?
- Đương nhiên nó sẽ tác động đến các yếu tố đầu vào sản xuất, hàng hóa sẽ bị điều chỉnh tăng giá. Trước đây Nhà nước bao cấp về lãi suất, xăng, điện, nay không bao cấp nữa cũng là vấn đề tất yếu để làm cho nền kinh tế phát huy hiệu quả. Để nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả thì giai đoạn đầu này chúng ta phải chấp nhận hy sinh. Và các chỉ số của 2 tháng đầu năm cũng chưa phản ánh điều gì nghiêm trọng. Quý 1 năm nay, GDP sẽ tăng trưởng tốt, nhưng sắp tới GDP sẽ chịu sự tác động của tăng giá và sẽ có sự hạn chế nhất định.
- Vậy theo ông, chỉ số CPI năm 2010 tăng bao nhiêu phần trăm là vừa?
- Vấn đề không phải là cao hay thấp mà chỉ cần chỉ số CPI tăng tương đương với GDP thì nền kinh tế phát triển bình thường.
- Thưa ông, lương cơ bản chuẩn bị tăng mà giá cả lại tăng trước như thế thì việc tăng lương đâu còn ý nghĩa gì…
- Lương chuẩn bị tăng hơn 10% và chỉ số giá đến cuối năm cũng ở mức thấp hơn một chút thì lương tăng vẫn cao hơn. Nhưng như thế, lương vẫn theo sau và bù lỗ phần giá đã tăng.
- Ông có kiến nghị gì cho thời gian tới không, thưa ông?
- Trước đây, Nhà nước đã hỗ trợ giá đầu vào cho sản xuất hiệu quả (hỗ trợ lãi suất ngân hàng, bù lỗ xăng…) nay không bù lỗ, hỗ trợ nữa mà nên có chính sách khuyến khích đầu ra. Cụ thể và trước tiên là nâng mức lương cho khu vực hành chính sự nghiệp để khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
CPI tháng 2 tăng cao nhất kể từ tháng 7-2008 đến nay Chiều 24-2, Tổng cục Thống kê công bố: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2010 tăng 1,96% so với tháng trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất của CPI trong một tháng, kể từ tháng 7-2008 đến nay. So với tháng 12-2009, chỉ số giá tháng 2-2010 đã tăng 3,35% và tăng 8,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhóm tăng cao hơn cả là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng tới 3,09% so với tháng trước); tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,39%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,22%. Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 2,52%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông có CPI giảm 1,23% so với tháng 1-2010 là nhờ nhiều chương trình khuyến mãi lớn của các “nhà mạng”. A.THƯ |
HÀN NI