Hàng loạt các bài báo, thông tin không mấy sáng sủa về con cá tra – Con cá đem lại giá trị doanh thu xuất khẩu gần 2 tỷ USD/năm đã và đang là đề tài nóng bỏng liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây. Vì vậy, việc Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG)- Một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra tung ra gói hỗ trợ 500 tỷ đồng cho nông dân nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL (Trà Vinh, Cửu Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang…) được xem là “cú hích” rất cần thiết để cứu con cá tra khỏi bị mắc cạn như hiện giờ. Xoay xung quanh vấn đề này, ông Dương Ngọc Minh-Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch ủy ban cá nước ngọt Việt Nam đồng thời là Chủ tịch HĐQT, TGĐ HVG chia sẻ:
HVG đưa ra chủ trương gói hỗ trợ 500 tỷ đồng cho những người hiện tại đang có giao dịch tại Công ty Agifish và Công ty Việt Thắng. Điều này thể hiện trách nhiệm của HVG-Một trong những doanh nghiệp đầu đàn về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra với những người tiêu thụ sản phẩm cho mình và những nhà cung ứng sản phẩm.
Thực hiện được điều này, HVG hy vọng làm bước đệm để kích thị trường trong vấn đề xuất khẩu. HVG đưa ra thông điệp rất rõ ràng với nhà nhập khẩu là giá sẽ không còn xuống nữa và đây là thời điểm giá thấp nhất để mua. Đồng thời cũng đảm bảo cho thị trường nội địa là giá cá tra cũng không có giá dưới 21.000 đồng/kg, thậm chí sẽ phải là 24.000đ- 25000đồng/kg.
Với gói hỗ trợ 500 tỷ này giá thu mua tối thiểu cá tra của HVG đối với các hộ nông dân từ 21.000đ đến 23.000 đồng/kg. (cá trên 1kg thì mua vào từ 21.000đ đến 22.000đ và cá từ 800g đến 1kg mua vào từ 22.000đ đến 23.000đ).
° Ông có thể nói rõ hơn về việc hỗ trợ này như thế nào?
HVG sẽ “tiếp sức” hỗ trợ cho các hộ nuôi cá có trọng lượng 500g/con trở lên. Nhưng hợp đồng ràng buộc giá này không phải để bán cho Hùng Vương. Khi nào giá thị trường cao hơn giá thu mua (như đã cam kết), các hộ nuôi cứ bán ở ngoài (Agifish sẽ giải chấp cho phép bán, các hộ nuôi trả lại tiền mà công ty đã đầu tư và lãi suất 1%). Khi nào bán không được giá cao thì quay về Công ty Agifish để bán, công ty mua lại 100% sản lượng cá của các hộ nuôi với giá đã cam kết. Tiếp sức ở đây là để HVG tạo cái nền giá nguyên liệu hình thành từ đây sang năm là giá thấp nhất. Còn đỉnh cao giá nguyên liệu bao nhiêu phụ thuộc thị trường. Và HVG chỉ làm để giúp trong giai đoạn khó khăn hiện tại đối với các hộ nuôi cá tra. Việc nhận lại công ty không đặt ra. Lẽ ra, ngân hàng làm việc này nhưng cuối cùng HVG phải làm vì sự phát triển chung của con cá tra Việt Nam trong đó có HVG.
Khi các hộ nuôi ký hợp đồng với HVG theo gói hỗ trợ này, HVG sẽ thanh toán ngay 30% bằng tiền mặt khi bắt cá từ dưới ao, 70% còn lại Công ty Việt Thắng thanh toán bằng thức ăn dựa trên hợp đồng đã ký với Công ty Agifish. HVG sẽ làm thí điểm trong vòng 3 tháng (bắt đầu từ ngày 1-11-2012).
° Vậy thì mục đích chính của gói hỗ trợ này là gì, thưa ông?
Hiện nay, vùng nuôi trồng của HVG đã trên 150.000 tấn/năm. Chúng tôi vừa bảo vệ hoạt động của mình mà cũng vừa bảo vệ những người nuôi có mối quan hệ làm ăn với Công ty Agifish và Công ty Việt Thắng. Bên cạnh đó, bằng gói hỗ trợ này, HVG hình thành giá sàn của cá tra nguyên liệu. Điều này sẽ đẩy được thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Kích thích cho người mua, người nhập hàng giải quyết vấn đề nhập khẩu cá tra tăng lên và giúp cho các doanh nghiệp trong nước giải quyết được vấn đề tồn kho. Đây là bài toán chúng tôi đưa ra, không vì lợi cho nhóm mà vì lợi ích chung để có giá sàn cá nguyên liệu, và từ đây giải phóng được vấn đề hàng hóa xuất khẩu… Tuy nhiên, về lâu dài nhà nước cần có một giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm tổ chức lại ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong đó, quy hoạch diện tích nuôi để đưa ra dự báo chính xác về cung cầu thị trường, sản lượng tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Có như vậy mới mong rằng nghề nuôi trồng và chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra đi dần vào ổn định và phát triển bền vững.
° Một câu hỏi cuối: Trong lúc ngành thủy sản đang gặp khó khăn, tiền đâu để HVG làm việc này?
HVG cũng là một DN chế biến XK cá tra nên không loại trừ những tác động khó khăn như các DN khác. Nhưng do có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước và có quy trình khép kín từ chế biến thức ăn đến nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu nên chủ động được chi phí giá thành, đồng thời đảm bảo được sản xuất thường xuyên. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, với kế hoạch xây dựng từ nhiều năm trước nên có thể nói HVG vẫn đang phát triển tuy không được lợi nhuận như kế hoạch đề ra. Cụ thể là trong hai lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản và nuôi trồng - chế biến thủy sản. 9 tháng đầu năm 2012 doanh số đạt trên 6.000 tỷ, tương đương 90% kế hoạch, lợi nhuận đạt trên 300 tỷ (60% kế hoạch năm). So với kế hoạch, sản xuất tăng nhưng lợi nhuận giảm do chi phí năm 2012 tăng hơn 30% so với 2011 và khủng hoảng kinh tế châu Âu cũng ảnh hưởng, giá XK so với cùng kỳ năm ngoái bình quân đã giảm 5%.
Với phương châm “Chỉ làm những gì mà mình thật sự am hiểu và có thế mạnh”, trong những năm qua, HVG liên tục dùng lợi nhuận để tái đầu tư. Vì vậy, HVG đã chuẩn bị sẵn tài chính để giải quyết những vấn đề như thế này. Việc hỗ trợ gói 500 tỷ đồng này cũng nằm trong kế hoạch và chiến lược của công ty. Có thể nói HVG hoàn toàn chủ động về tài chính.
| |
HỒNG MINH