Cụ thể hóa tác động của việc điều chỉnh danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Cụ thể hóa tác động của việc điều chỉnh danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo chương trình nghị sự, ngày 9-11 tới, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là một nội dung được cộng đồng doanh nghiệp và người dân hết sức quan tâm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, mặc dù ban đầu đưa ra nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, song rút cuộc tại kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ trình việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vì sao?

>> Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 12 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những nỗ lực thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, do dự án luật này có quy mô và phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và lại được thực hiện trong thời gian rất gấp nên Chính phủ cần có thêm thời gian để tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể hơn tác động của luật đối với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như cơ chế quản lý nhà nước; đồng thời cần trao đổi thêm để tạo sự đồng thuận, thống nhất với cộng đồng doanh nghiệp.

- Xin Bộ trưởng cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, công thương... tới đây dự kiến thay đổi theo hướng nào?

Về nguyên tắc, danh mục nói trên sẽ được rà soát, điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước qua từng thời kỳ. Có 4 sự thay đổi lớn. Thứ nhất, một số ngành nghề được bãi bỏ vì không còn cần thiết cho mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Thứ hai, một số ngành, nghề được bổ sung vào danh mục để phù hợp với những mục đích nêu trên hoặc để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thứ ba, một số ngành, nghề đã quy định trong danh mục nhưng chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến những cách hiểu và vận dụng khác nhau, nay được chuẩn hóa. Thứ tư, những ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất, nhưng được quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau do các cơ quan khác nhau làm đầu mối quản lý sẽ được hợp nhất để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước và tính minh bạch, khả thi trong quá trình áp dụng.

Theo đó, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề, bổ sung 15 ngành nghề, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề, cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành nghề. Như vậy, tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.

- Vừa qua, dư luận bày tỏ quan tâm đến việc ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” có mặt trong danh mục và đặt câu hỏi: quy định này tác động thế nào đến các nhóm lợi ích khác nhau: lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng…?

Nhìn từ nhiều góc độ thì một chính sách khi được ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng Chính phủ thì phải căn cứ từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô… Không thể thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào.

- Được biết, trong cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự luật (Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cũng có ý kiến phân vân là những tác động của chính sách mới vẫn chưa được lượng hóa bằng số liệu cụ thể nên rất khó quyết định. Bộ trưởng có thể giải thích thêm?

Chúng tôi đã có báo cáo về vấn đề này trong Tờ trình Quốc hội và đang tiếp tục chuẩn bị để tới đây tác động chính sách có thể được lượng hóa rõ hơn, dễ hình dung hơn.

- Tuy ngành công nghiệp ô tô nội địa đã từng có một thời gian dài được tạo điều kiện phát triển, nhưng đến nay vẫn khá èo uột, thưa Bộ trưởng?

Đúng là ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển được như kỳ vọng. Nhưng việc ngành ô tô nội địa có phát triển được hay không thì cũng không thể giải quyết chỉ bằng chính sách đưa ngành nghề này vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; trong đó yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Căn cứ vào quy mô, nhu cầu thị trường, nhà đầu tư mới quyết định có đầu tư hay không. Trong khi quy mô thị trường còn nhỏ bé mà mình lại cho quá nhiều doanh nghiệp tham gia, thị phần càng bị chia sẻ; doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư lớn.

- Theo Bộ trưởng, việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giúp cho người tiêu dùng được sử dụng ô tô với giá cả và chất lượng hợp lý hơn hiện nay?

Chắc chắn rồi. Quy định được thiết kế hướng đến mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; tất nhiên là trong sự hài hòa với việc phát triển công nghiệp ô tô trong nước, một ngành quan trọng trong cơ cấu công nghiệp của nhiều quốc gia. Như tôi đã nói, khi ban hành một chính sách thì luôn phải đặt lợi ích tổng thể của quốc gia lên trên hết.

- Như vậy danh mục sẽ được điều chỉnh hàng năm?

Sẽ được điều chỉnh khi xét thấy có nhu cầu, không nhất thiết là hàng năm.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục