Nhìn về kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo, 71% doanh nghiệp (DN) tin rằng trong vòng 12 tháng tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn. Chỉ có 9% lo lắng về tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Đây là kết quả nằm trong bộ chỉ số niềm tin kinh doanh (BIC) quý 1-2013 vừa được Công ty Dịch vụ thông tin tài chính WVB Việt Nam công bố. Cấu phần quan trọng này đã giúp BCI quý 1-2013 đạt 114 điểm, tăng 31 điểm so với quý 4-2012 (83 điểm).
Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng chục ngàn DN phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Đánh giá về năm 2012, nhiều nhà kinh tế cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất là niềm tin vào chính sách và môi trường kinh doanh suy giảm. Nay với những nỗ lực hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của Chính phủ, niềm tin của giới kinh doanh đã thấp thoáng trở lại. Tuy nhiên, khi phân tích về diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây có thể thấy niềm tin này vẫn rất mong manh.
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua của Chính phủ, đại diện Bộ KH-ĐT nhận định, nếu các khó khăn của nền kinh tế không được xử lý như Nghị quyết 02/NQ-CP thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó. Cũng theo Bộ KH-ĐT, từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình kinh tế chưa được cải thiện rõ rệt. Cả sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp vẫn rất khó khăn. Bởi vậy dự báo, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, số lượng DN thu hẹp sản xuất, tồn kho vẫn ở mức cao. Tín dụng từ đầu năm đến ngày 23-4 mới tăng được 1,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiền gửi 5,34% trong cùng kỳ. Nhận định của Bộ KH-ĐT khá trùng hợp với quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4 rằng tổng cầu của nền kinh tế còn rất yếu. Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới, mà chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu. Không những thế, trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, cầu đầu tư cũng chỉ đạt mức thấp, kéo theo sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm.
Để củng cố niềm tin của DN, tạo điều kiện ổn định và tiến tới mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, kích hoạt tăng trưởng, rất nhiều việc cần được triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Mặc dù Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ DN, tuy nhiên, theo phản ánh của DN trên Báo SGGP, đến thời điểm hiện nay họ vẫn khó hoặc hầu như không thể tiếp cận được các gói giải pháp hỗ trợ. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ nhận định: Nhiều giải pháp, chủ trương đã có nhưng triển khai vẫn còn chậm dù đã cố gắng. Ví dụ như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà được đưa ra từ tháng 2 nhưng đến nay chưa người dân nào vay được bởi phải chờ văn bản hướng dẫn. Các giải pháp miễn giảm, giãn thuế cũng hầu như chưa có tác động nào tới hoạt động của DN. Muốn niềm tin trở lại, rõ ràng việc cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ đang là một yêu cầu cấp bách. Có lẽ cũng vì vậy, tại phiên họp thứ 17 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% áp dụng ngay từ 1-7 tới thay vì áp dụng từ đầu năm sau. Bên cạnh đó, để kích hoạt tổng cầu của nền kinh tế cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tập trung cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư. Hiện lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, nên mặt bằng lãi suất cho vay cũng phải sớm giảm xuống mức 9% - 10%/năm nhằm thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ thị trường. Phiên họp tháng 4 của Chính phủ đã gợi mở khả năng áp dụng trần lãi suất cho vay để yêu cầu giảm lãi suất sớm được thực hiện thay vì chỉ kêu gọi chung chung.
Củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của doanh nghiệp phải bằng hành động cụ thể. Nếu tiếp tục để DN khắc khoải trông đợi, trong khi các giải pháp hỗ trợ mãi nằm trên giấy thì khi niềm tin mất đi, dù có nỗ lực đến đâu cũng sẽ khó lấy lại.
MINH GIANG