
Đoạn từ cầu vượt Quang Trung tới cầu Bình Phước từ lâu đã nổi danh là “điểm đen” về nạn xe dù, cướp giật. Nay, ở đây lại bùng lên một nghề mới: bán dụng cụ, thuốc kích dục. Các “nhân viên” hoạt động trong lĩnh vực này thường tập trung ở các vỉa hè, gầm cầu hoặc được cải trang thành người bán hàng rong trà trộn vào những nơi đông người để mời chào khách.
Đội lốt hàng rong để hành nghề

Vờ mua đôi lót giày, tôi tấp vào lề đường bên chân cầu Quang Trung - nơi những người bán hàng rong đang tụ tập chèo kéo khách. Một người phụ nữ trạc ngoài 40 mời tôi mua thuốc điều trị “khoản đó”. Với nét mặt giả thẹn thùng của tôi, bà ta vội vã móc trong túi một tờ giấy, trong đó ghi tên nhiều loại thuốc kích dục ra quảng cáo: thuốc bôi trơn do Trung Quốc sản xuất có giá 100.000đ một lọ, các loại Viagra của Malaysia, Mỹ, Nhật sản xuất có giá từ 150.000đ – 400.000đ/viên. Đặc biệt, có cả dụng cụ cho phụ nữ, cũng đều nguồn gốc từ Trung Quốc…
Một người chạy xe ôm ở đây cho biết: “Nạn mua bán “thần dược” bắt đầu hoạt động vào các buổi chiều, nhưng sôi động nhất vào ban đêm, từ 7g đến tận 2, 3g sáng”. Tôi tạt vào vỉa hè ngay bên chân cầu vượt Bình Phước. Ra mời chào là một thanh niên, anh chàng đoán ngay chúng tôi đi mua “dụng cụ”: “Hai anh cần bao hay thuốc? Em mới nhập về loại bao hương táo có phát quang, xài vô tư ở mọi lúc, mọi nơi, giá hữu nghị 30.000đ một cặp”. Người bạn tôi ngồi sau yêu cầu bán thuốc. Rồi anh ta dẫn chúng tôi lao về một con hẻm, cách đó chừng 200m, không quên dặn chúng tôi đứng ở ngoài đầu hẻm chờ. 15 phút sau, anh ta đi ra cùng với một người phụ nữ. Bà ta mở túi, đưa ra từng loại và luôn miệng khen lấy khen để các loại “thần dược” của mình. Lấy cớ có chuyện gấp, chúng tôi bỏ đi. Trên đường ra quốc lộ, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều cánh tay mời chào khá lộ liễu dành cho những vị khách qua đường mà họ cho là đang săn “thần dược”.
Cà phê cũng bán “thần dược”
Một tối khác, chúng tôi vào một quán cà phê khá vắng khách, trên quốc lộ 13, cách cầu vượt Bình Phước chừng 150m. Ngồi tiếp chuyện là hai nhân viên tên H và Ngọc A, sau một hồi trò chuyện, H bạo miệng giới thiệu: “Em có loại thuốc hay lắm. Nếu các anh cần em qua bên kia lấy giùm”. Mười phút sau, tôi lia mắt thấy Ngọc A bước ra từ buồng phục vụ vòng lại cổng chính, ung dung bước vào như để đánh lừa chúng tôi. Vừa tới nơi, cô luôn miệng: “Đợt này có nhiều hàng mới” rồi để lên bàn một túi vải màu xanh, dưới ánh đèn mờ, tôi nhận ra những loại thuốc quen thuộc từng gặp ở con hẻm nọ. Nhưng lần này có thêm một loại thuốc, dạng hột nhỏ, màu vàng nhạt, được đựng trong vỉ. H giải thích: “Đây là thuốc lắc mới của Úc, không gây nghiện dùng được cho tất cả các đối tượng mà hiệu quả chẳng kém gì các loại nổi tiếng khác”. Quả là loại thuốc lắc tôi chưa từng nghe thấy!
Tại một quán quán cà phê khác, cách đó không xa. Vẻ thân mật tôi hỏi chủ quán “có bán thuốc không anh?”. Hiểu được ý chúng tôi, anh ta nói: “Ở đây không bán thuốc đó nhưng em cần anh sẽ liên hệ giùm”. Nói xong, anh ta rút điện thoại gọi cho ai đó. Khoảng 30 phút, một thanh niên cưỡi con @, trông khá sành điệu đến bàn nơi chúng tôi đang ngồi. Cũng với chiêu thức quảng cáo của một con buôn, anh ta lia một tràng về các loại thuốc mà anh ta đem đến.
Phần lớn những “nhân viên” bán “thần dược” đều là những người nghèo từ các tỉnh miền Trung về đây bán hàng rong kiếm sống. Lợi dụng điều này, các đầu nậu cung cấp hàng cử “cò” đi tiếp cận, phân phối và biến họ thành thị trường chính để tiêu thụ cho chúng. Chị T, quê ở tận Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi chỉ đứng đây là có người mang thuốc đến, còn số điện thoại hay địa chỉ tìm gặp thì có trời mới biết”.
Không chỉ ở chân cầu Bình Phước và cầu Quang Trung, mà ở khắp tuyến đường khoảng 5km tỏa từ đây tới KCN Linh Trung I, đều có mặt “đội quân” chuyên bán “thần dược”. Cũng vì địa phận này giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Dương và TPHCM, nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đây là con đường huyết mạch có thể đi nhiều tỉnh khác nhau, đông hành khách qua lại nên các “nhân viên” thường lợi dụng chốn này làm điểm tập kết buôn bán.
Đừng để tiền mất tật mang
Đoạn đường này hoạt động mua bán khá nhộn nhịp các loại dụng cụ, thuốc kích thích, cũng như sự sa đọa của một bộ phận giới trẻ, sau những thú vui tràn ngập, họ lại tìm đến những cảm giác “mạnh” hơn, “lạ” hơn. Họ đâu lường hết rằng, đa số các loại thuốc đều làm giả, làm nhái, chất lượng thả nổi không thể kiểm soát. Bởi thế, rất nhiều người phải tìm đến các phòng mạch tư cầu cứu bác sĩ. Một bạn nam (xin giấu tên) buồn rầu kể: “Thấy mình ngày một “yếu” nên nghe lời thằng bạn xài thuốc, vài lần đầu thấy mình “khỏe” hẳn lên nhưng sau đó nó yếu dần và bây giờ không còn “làm ăn” được gì cả! Bác sĩ nói, tôi bị chứng loạn sinh lý do xài thuốc kích thích quá liều, bây giờ khó thể phục hồi được”. Bác sĩ Vũ Ngọc Khang – chuyên khám chữa bệnh về nam giới, cho biết: “Có ngày trung tâm của tôi tiếp nhận tới năm ca đang trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”, phải kết hợp điều trị và dùng thủ thuật thì mới xuôi được, những trường hợp này nếu xảy ra nhiều lần sẽ mất hết chức năng”. Rốt cuộc, “hạnh phúc” từ các liều “thần dược” chẳng thấy đâu mà chỉ thấy tiền mất tật… theo!.
QUỐC ĐỊNH