Dư âm của phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại Quốc hội và hàng loạt vấn đề trăn trở của các đại biểu về những khiếm khuyết, bất ổn của các mặt hàng nông sản: lúa, gạo, cá tra, mía… vẫn còn “lắng đọng” trong lòng nông dân ĐBSCL. Những bất ổn này có lẽ khởi nguồn từ sự lỏng lẻo trong chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) phát hành khoảng 2,5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho khoảng 6.000 nông dân ĐBSCL với giá 30.000 đồng/cổ phiếu được xem là “viên gạch” quan trọng đặt lên nền đất của vựa lúa miền Tây. Lần đầu tiếp cận đến các “khái niệm”: cổ phiếu, cổ đông, cổ tức thông qua việc mua cổ phiếu của AGPPS, ông Út Tắc, An Giang, bảo đơn giản đây là việc làm rất hữu ích: nông dân và doanh nghiệp sẽ cùng hội, cùng thuyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng không giấu niềm vui: “Đây là sự kiện năm 2013 của ngành nông nghiệp. An Giang cũng tự hào về sự kiện này. Lần đầu tiên công ty định hướng bán cổ phiếu để nông dân tham gia một cách trực tiếp vào quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh xuất khẩu; mang lại lợi nhuận trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng từ đầu vào và đầu ra.
Sự kiện này đáp ứng một kỳ vọng rất lâu: nông dân và doanh nghiệp hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Đây là khởi đầu của câu chuyện mang tính thực tế và giá trị nhân văn hết sức sâu sắc”. Thật ra ý tưởng về mô hình các công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bán cổ phiếu để nông dân “cùng hội, cùng thuyền” đã được GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất từ nhiều năm qua, nay mới thành hiện thực. Đây là mô hình mà tiếng nói, quyền lợi của nông dân được nâng lên!
Trong 5 năm trở lại đây, câu chuyện liên kết để sản xuất bằng cánh đồng lớn được nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện. Đơn cử như Công ty cổ phần Gentraco triển khai với diện tích không lớn lắm, nhưng bao tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra hiệu quả khá cao. Lúc đầu người ta gọi là “Cánh đồng mẫu lớn” và nay mô hình này đang lan tỏa rộng không còn ở dạng “mẫu” nên chỉ còn gọi là “Cánh đồng lớn”. Có lúc, người ta định giành “bản quyền” ai là người nghĩ ra và thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”! Thế rồi, những đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất liên kết cung ứng đầu vào, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, xây kho để nông dân gửi lúa, bao tiêu giá lúa… nhằm nâng cao giá trị, đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân đã lấn át những người định “cạnh tranh bản quyền cánh đồng mẫu lớn”!
Cách đây vài năm, các chuyên giá trong lĩnh vực cá da trơn đã khuyến cáo: Nông dân nuôi cá tra nên liên kết và “ký thỏa thuận” bán cá tra với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, cá basa. Lời khuyến cáo này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những trục trặc giữa nông dân nuôi cá và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra mà nguyên nhân chính vẫn là vì chưa “cùng hội, cùng thuyền”! Một phần lỗi trong này thuộc về cơ quan quản lý khi chưa có những quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… Mà cụ thể là thiếu sự ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đối với người dân nuôi cá để hình thành vùng nguyên liệu bền vững. Đây là điều mà ngành lúa gạo đang từng bước tạo nên bộ khung để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có trách nhiệm gắn bó với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, kho chứa, nhà máy xay xát…
6.000 nông dân mua cổ phiếu của AGPPS đợt này được “lựa chọn” theo tiêu chí, họ phải chấp nhận quy trình sản xuất tiên tiến, có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tham gia quản lý. Đây là những yếu tố then chốt trong quá trình tổ chức lại sản xuất. Mức giá AGPPS đưa ra là 30.000 đồng/cổ phiếu, cao hay thấp, rất khó định lượng trong lúc này! “Mua cổ phiếu là cơ hội để nông dân tham gia làm chủ. Đây là chương trình tập dợt cho nông dân ở mức độ ban đầu về thị trường, về chứng khoán… để tới bước quan trọng là cổ phần hóa các nhà máy trong 1 - 2 năm nữa. Nông dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của công ty. Không có nông dân, công ty khó tồn tại và phát triển chứ đừng nói tính toán xa vời”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT AGPPS, nhận định.
6.000 nông dân tham gia mua cổ phiếu của AGPPS so với 4 triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL còn là con số khiêm tốn. “Đây là sự kiện để các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước cùng suy nghĩ, để phát động. Làm sao để nông dân ngày một làm chủ sản phẩm của mình, đời sống ngày càng tốt hơn. Mong có nhiều cách làm hay để nông dân bớt đi trăn trở ưu tư” – PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, gửi gắm. Mong rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thật lòng “mời nông dân lên thuyền ngồi chung”, chứ không phải liên kết hay “bán cổ phiếu ở mức quá thấp không có ý nghĩa, nặng hình thức”!?
CAO PHONG