Cùng ngư dân ra khơi

Con tàu thắng bão Xangsane
Cùng ngư dân ra khơi

Chiếc tàu của ngư dân Nguyễn Văn Phong, xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) rẽ sóng Nhật Lệ ra khơi. Đây là chuyến đi thứ 10 trong năm và phóng viên Báo SGGP được tiếp nhận làm phụ bếp cho một tuần đi biển. Cùng ngư dân ra khơi mới thấy lao động trên biển vô cùng vất vả nhưng tràn đầy tự hào khi biển là một phần của quê hương.

Dưới lá cờ Tổ quốc, nhiều ngư dân chắc tay lưới, tự tin khai thác thủy sản trên vùng biển quê hương.

Dưới lá cờ Tổ quốc, nhiều ngư dân chắc tay lưới, tự tin khai thác thủy sản trên vùng biển quê hương.

Con tàu thắng bão Xangsane

Con tàu mang biển hiệu QB-91559-TS của ngư dân Nguyễn Văn Phong xuất bến làng Sa Động lúc trời đổ chiều. Vô số cột sóng lớn ở cửa biển Nhật Lệ vỗ mạnh vào mạn, mũi tàu khiến tàu chúi sâu xuống nước rồi ngoi bổng lên choáng mặt. Nhưng sóng cửa biển chẳng là gì bởi con tàu này từng đối mặt với một trong những trận bão dữ dội nhất của biển Đông, Xangsane. Con tàu như một hiện tượng và được dân làng biển Sa Động gọi hiệu như một hiện tượng: tàu 559.

Vốn là một tàu câu mực của ngư dân Đà Nẵng, tan tác sau cơn bão Xangsane năm 2006. Tàu 559 từng ở trong vùng tàn phá trên biển của cơn bão kinh hoàng, nó là một trong những chiếc hiếm hoi trở về đất liền khi bão tan, các thuyền viên an toàn. Nhưng người chủ đã từ giã chiếc tàu vì ông ám ảnh nỗi kinh hoàng không thể quên giữa biển cả sóng gào của trận bão. Ông tìm người bán. Nhiều ngư dân tìm đến rồi lắc đầu ra đi, chỉ có Nguyễn Văn Phong ở Bảo Ninh (Quảng Bình) vào, vừa nhìn thấy tàu như đã “tri âm” được với nó, liền gật đầu mua với giá 1,3 tỷ đồng.

Ông Phong nghĩ: “Tàu về được từ bão, chắc chắn làm việc lớn trên biển”. Từ Đà Nẵng về Bảo Ninh mất một ngày, đưa vào bờ tân trang, sắm sửa máy móc. Chuyến đầu tiên ra mắt người chủ mới, chiếc 559 với hơn 400CV đã đưa về cho gia đình ông Phong hơn 1 tỷ đồng với mẻ cá chim 10 tấn. Từ đó đến nay, chuyến nào ra khơi, chiếc tàu trở về từ bão Xangsane cũng đưa về không dưới 300 triệu đồng.

Đây là chiếc tàu lớn nhất tỉnh Quảng Bình vào thời điểm này, tôi lên tàu được phân việc phụ bếp, nấu nướng, bởi công việc khác đã có 20 thuyền viên lành nghề đảm nhận. Chuẩn bị cho chuyến ra khơi này, tàu 559 nằm bến ăn 520 cây đá, 75 triệu đồng tiền dầu, 15 triệu đồng tiền thực phẩm, chưa kể kèm theo cả 2 tạ gạo. Ngoài chiếc này, gia đình ông Phong còn sở hữu 2 chiếc tàu 330CV khác. Mỗi lần đoàn tàu xuất bến, chừng một tuần, một trong 3 chiếc gom hết cá dồn vào một tàu chở về bờ để bán và lấy thêm tiếp phẩm, 2 chiếc còn lại tận dụng đánh bắt đến mùa trăng lên mới trở vào.

Mẻ lưới 10 tấn cá

Tàu thẳng hướng phía Đông, chạy hơn một ngày đêm rồi bắt đầu thả lưới. Máy tầm cá mở lên, quét trong vòng 5 hải lý, độ sâu quét được đến cả cây số. Trên cabin tàu, thuyền trưởng Phong nói: “Trước đây không có máy dò cá, ra chuyến nào phải thuê ngư dân giỏi lặn xuống lắng “nghe” cá đi, chúng đi từng đàn, tiếng quẫy nước ép vào màng nhĩ ngư dân, người thính tai sẽ ước đàn cá nhiều hay ít mới bủa lưới. Làm thế có khi được khi mất, vì cá di chuyển nhanh, thợ lặn lên tàu rồi cho thả lưới vì sợ họ bị lưới quấn, thao tác như thế dễ bị cá… qua mặt. Chừ có máy tầm cá, chỉ cần thấy nó quét màu đỏ vàng đậm đặc, biết ngay mẻ cá chừng nào”.

Mẻ lưới của tàu 559 thu được 10 tấn cá. Ảnh: MINH PHONG

Mẻ lưới của tàu 559 thu được 10 tấn cá. Ảnh: MINH PHONG

Suốt một ngày đêm hôm trước, những người bạn thuyền ngồi không hứng gió, con tàu nhìn to vật vã trong bờ nhưng ra giữa mênh mông gió nước bể Đông, nó như chiếc lá nhỏ, luôn bị vô biên sóng cả dồn dập tấn công. Bữa cơm dọn ra thường là đồ ăn mặn, hiếm khi nào có được bát canh đúng nghĩa, bởi trên tàu, sóng làm tàu nghiêng liên hồi không nghỉ, những vật dụng bằng nước phải cho vào can nhựa đóng kín nắp nhằm tránh đổ, bữa nào thèm canh quá phải nấu rất kỳ công, hai tay đầu bếp phải giữ nồi “đứng yên” trên bếp, canh chín, lại cho vào các lon gi-gô rồi đậy nắp lại để sóng biển làm tàu chao đảo không bị đổ.

Theo đầu bếp Nam phân công, tôi có nhiệm vụ chỉ làm sao đừng để các thứ có nước bị đổ ra sàn tàu. Công việc tưởng dễ dàng như trên bờ thì trên biển quả là cực hình. Ngay bản thân giữ cho thăng bằng trên tàu cũng đã khó nói chi…, nhưng tập hai bữa tôi cũng quen dần.

Tàu ra vị trí cách bờ hơn 110 hải lý, máy dò cá bật lên từ lâu, có một vệt nhỏ cách xa chừng chục hải lý hiện lên màn hình. Cái vệt đó được bạn thuyền nói là vệt “hy vọng”, nó sẽ đưa lại thu nhập cho 20 con người về nuôi sống vợ con trên đất liền. Càng đuổi theo tín hiệu máy quét, vệt “hy vọng” càng hiện to hơn, dài hơn, dày hơn.

Với kinh nghiệm gần 30 năm đi biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Phong chắc mẫm: “Không dưới 10 tấn”. Ông Phong nói, bạn thuyền hiểu, ai nấy mừng rêm rồi hét với tôi trong tiếng máy nổ lớn: “Đây là đàn cá nục, có cả cá lầm, cá trích nữa nhưng cá nục nhiều nhất”. Tôi hỏi vì sao đoán được 10 tấn, ông Phong nói: “Nhìn màn hình biết ngay, quen rồi, cứ thấy dày thế ni là 10 tấn, giảm dày một nửa còn 5 tấn, đó là cảm giác thôi chú em”. Lập tức, cả 20 bạn thuyền mỗi người một việc, họ phanh chiếc lưới dài cả cây số, nặng đến gần 4 tấn, mỗi người cầm từng sải một, hất lưới văng xuống biển, bắt đầu quây lưới bắt cá.

Mất chừng 30 phút thả lưới vây, tấm lưới tính từ mặt nước xuống gần đáy đến 150m, là loại lưới cho ngư trường xa, mỗi bộ đầy đủ không dưới 1 tỷ đồng. Từng cánh tay lực lưỡng của 20 bạn thuyền bắt đầu hoạt động, họ đang phấn khích với mẻ cá sắp vào lưới. Lưới vừa thả xong, tàu quay đầu, bắt đầu xiết chặt vòng vây đàn cá nục. Mất 3 tiếng rưỡi trong đêm, dưới ngọn đèn cao áp, lưới mỗi lần mỗi thu hẹp lại, đàn cá lúc đầu tỏa ra tứ phía, chúng như muốn đâm tung lưới để thoát ra ngoài, nhưng sức mạnh của cả triệu con cá không thắng được mảnh lưới chắc nịch bằng dây dù bền chặt.

Trời tảng sáng, bóng đèn cao áp trên tàu phụt tắt, ánh bình minh ló dạng, hàng trăm, hàng ngàn con cá quây chặt trong mẻ lưới, nhìn chúng đông đặc lại mới tự hào công lao nghề biển. Chiếc vợt từ cần trục trên mui tàu bắt đầu được điều khiển bằng tay, đưa xuống dòng nước biển Đông vớt từng đợt cá lên. Anh Long, chú Hoạch, anh Trung phụ trách vớt cá, thoăn thoắt đưa vợt xuống rồi kéo ròng rọc trên mui tàu, cá nục lấp lánh trước nắng, chúng thi nhau vùng vẫy, thi nhau nhảy rồi nằm gọn trong khoang. Mất cả 4 giờ mới đưa hết mẻ cá vào khoang thuyền, trời gần đứng trưa, lưới kéo lên cá dính vào lưới vẫn còn nhiều, phải mất thêm buổi chiều giặt lưới, gỡ cá sót để đêm đến lại tìm đàn cá mới.

Niềm tự hào trên biển

Chúng tôi lại lênh đênh trên biển, chạy theo hướng quét của máy dò cá, thêm một đêm nữa ở biển, đêm đó chẳng thấy tín hiệu nào. Nhưng vào đêm hôm sau, máy dò lại lần ra một đàn cá mới, chừng 5 tấn. Và mẻ lưới này cất lên cũng y chang dự đoán của thuyền trưởng Phong. Cá đã khẳm mạn tàu, 2 chiếc khác vừa gọi incom hẹn tọa độ và cá được chuyển vào các hầm của thuyền 559, tàu được lệnh chạy vào bờ để bán cá.

Ông Phong nói: “Đây là chuyến đi nhanh nhất, mất 6 ngày, sau trời động nên gặp nhiều cá, chứ có chuyến phải đi cả 20 ngày cá mới đầy tàu. Chuyến ni chắc chắn lãi to”.

Nhìn con thuyền ưỡn bụng trước biển, rẽ sóng vào bờ, thấy nghề biển vô cùng vất vả nhưng tự hào lạ lùng. Trên biển, cờ Tổ quốc vẫn tung bay phần phật trước mũi tàu. Trên biển, thi thoảng vẫn gặp tàu của bà con ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi… mọi người cùng vẫy tay chào hỏi. Và trên biển, cùng đánh bắt, tàu vùng nào, ở đâu, bất luận đã là ngư dân nếu ra tín hiệu SOS đều được đáp lại bằng nghĩa tình cứu hộ đồng bào.

Ngư dân như ông Phong và 20 bạn thuyền hay bao lão ngư khác đều coi biển cả như bờ xôi ruộng mật, tất bật “cày bừa” bằng những mẻ lưới quanh năm để làm giàu, nộp thuế. Với họ, biển không chỉ dữ dội mà còn là nguồn sống cho nhiều người cần cù lao động…

Con tàu 559 cập cảng, thêm một chuyến ra khơi trở về thắng lớn, mỗi cân cá nục được bán sỉ với giá 20.000 đồng, riêng hơn 15 tấn cá nục đã thu về hơn 300 triệu đồng, bạn thuyền mỗi người được trả 3 triệu đồng. Ai nấy đều vui vẻ nhận tiền ra về trong tiếng hẹn cho mùa trăng lặn chuyến sau.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục