Cuộc chiến gian nan

Chương trình, mục tiêu 3 giảm (giảm ma túy, mại dâm, tội phạm hình sự) của TPHCM đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm. Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn đang là vấn đề nhức nhối, diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu trước đây, gái mại dâm thay vì đứng đường chèo kéo khách, nay chuyển mạnh sang hình thức gái gọi, gái bao với xu hướng thoát ly chủ chứa; tự hình thành theo nhóm, tiếp thị qua internet, điện thoại di động nên cơ quan chức năng khó phát hiện, theo dõi và bắt giữ. Đó là chưa kể đối tượng mại dâm trá hình, núp bóng dưới bỏ bọc kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Theo thống kê, tại TPHCM hiện có khoảng 25.000 - 30.000 cơ sở kinh doanh ở lĩnh vực nhạy cảm (có phép và không phép). Nếu tính trung bình mỗi cơ sở có 5 người làm tiếp viên, toàn TP đã có gần 150.000 tiếp viên làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm. Mức độ tinh vi trong các hoạt động mại dâm, khiêu dâm, kích dục ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm khiến cho công tác đấu tranh ngăn ngừa ngày càng khó khăn.

Những hoạt động dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như ở vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, hớt tóc thanh nữ, cà phê trá hình... khiến cho cơ quan quản lý ngành dọc cũng như chính quyền địa phương khó xử lý triệt để. Bởi về mặt pháp lý, phải “bắt quả tang” mới có cơ sở. Trong khi việc rút giấy phép, kinh doanh, hành nghề đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vi phạm rất gặp nhiều khó khăn nhưng khâu cấp phép lại quá dễ. Đó là chưa kể, khi phát sinh những loại hình tệ nạn xã hội mới, pháp luật càng… bó tay vì chưa có chế tài xử lý…

Trong cuộc chiến chống ma túy, nhiều năm qua TP cũng đã có những giải pháp quyết liệt với đề án đưa trên 30.000 người nghiện đi cai nghiện, dạy nghề, giải quyết việc làm. Chính từ sự quyết liệt này đã làm cho phạm pháp hình sự trong những năm qua giảm hơn 50% (từ trên 14.000 vụ/năm được kéo giảm xuống dưới 7.000 vụ). Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc thí điểm Đề án sau cai nghiện (năm 2008), các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến ma túy và người nghiện ma túy có dấu hiệu tăng trở lại. Nhất là sau khi 19.000 người sau cai nghiện hồi gia về địa phương, đã có không ít người tái nghiện, trong đó có khoảng 1.000 đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng; mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, giết người… bị bắt.

Mặc dù hiện nay mỗi phường, xã đều có tổ cán sự xã hội tình nguyện (mỗi tổ khoảng 5 - 7 thành viên) và 1 cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội, để theo dõi và giúp người sau cai nghiện trở về cộng đồng có được việc làm ổn định, tránh xa ma túy. Nhưng gần đây, tại một số địa bàn lại công khai xuất hiện con nghiện hút chích, khiến cho dư luận không khỏi không đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng.

Trong lúc đó, điều đáng báo động là gần đây, tội phạm liên quan đến ma túy, nhất là ma túy tổng hợp lại đang có dấu hiệu gia tăng, chiếm khoảng 20% số vụ được phát hiện. Các đối tượng buôn bán chất ma túy từ các nước vào TPHCM cũng ngày càng lớn và có thêm nhiều tuyến mới, sử dụng công nghệ cao, tính chất quốc tế hóa ngày càng cao…

Ma túy - mại dâm - tội phạm hình sự là một vòng tròn có tính tương tác, liên hệ mật thiết với nhau. Tình hình thực tế đang diễn ra càng cho thấy, cuộc chiến chống tệ nạn xã hội trên địa bàn cả nước nói chung, TPHCM nói riêng ngày càng trở nên cam go, phức tạp. Và như vậy, nếu như các cơ quan ban ngành chức năng và chính quyền các cấp không phối hợp một cách quyết liệt, bền bỉ và bản lĩnh để có những giải pháp căn cơ, đồng bộ thì rõ ràng, những nguy hại sẽ luôn chực chờ để tàn phá cuộc sống an lành của nhân dân, sự ổn định của xã hội.

H. THU

Tin cùng chuyên mục