
Mỹ đang bí mật thử nghiệm một thế hệ vũ khí mới cực kỳ tối tân trong khuôn khổ “Chương trình nghiên cứu tạo cực quang bằng sóng vô tuyến cao tần” (HAARP) nhằm biến đổi khí hậu, phục vụ cho các mục tiêu quân sự. Tương lai của nhân loại đang bị đe dọa…
- Lịch sử “cuộc chiến khí hậu”

Các kỹ thuật thay đổi môi trường đã được quân đội Mỹ áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua. Dưới sự chủ trì của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhà toán học người Mỹ John Von Neumann đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng biến đổi các điều kiện khí hậu từ cuối những năm 1940 - thời điểm chiến tranh lạnh đang ở mức đỉnh điểm. Trong chiến tranh Việt Nam, các kỹ thuật “gieo mây” đã được sử dụng trong khuôn khổ dự án Popeye, mục tiêu là kéo dài mùa mưa nhằm ngăn chặn các con đường tiếp tế dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Quân đội Mỹ đã phát triển những thiết bị tối tân cho phép thay đổi có lựa chọn các điều kiện khí hậu. Công nghệ này hiện đang được hoàn thiện trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu tạo cực quang bằng sóng vô tuyến cao tần (HAARP), một phần của “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” hay còn được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”. Theo quan điểm quân sự, HAARP là một vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoạt động từ khí quyển bên ngoài và có khả năng làm xáo trộn các hệ thống nông nghiệp và sinh thái ở khắp nơi trên thế giới.
Theo tài liệu của lực lượng không quân Mỹ có tên gọi “Báo cáo cuối cùng AF 2025”, việc thay đổi các điều kiện thời tiết “tạo cho các chiến binh có nhiều lựa chọn để làm thất bại hoặc gây sức ép đối với kẻ thù”. Việc thay đổi điều kiện thời tiết có thể dẫn đến các hiện tượng như lũ lụt, bão, khô hạn hay động đất. Cũng theo tài liệu này, “việc thay đổi các điều kiện thời tiết sẽ trở thành một yếu tố của an ninh nội địa và an ninh quốc tế, có thể ứng dụng trong tấn công hoặc phòng thủ, và thậm chí có thể được sử dụng như một phương tiện để răn đe”.
Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một Hiệp ước quốc tế cấm “sử dụng nhằm mục đích quân sự và mọi hình thức sử dụng mang tính thù địch các kỹ thuật thay đổi môi trường”. Mặc dù nội dung chính của Hiệp ước năm 1977 đã được khẳng định lại trong Hiệp ước khung của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu (CCNUCC) ký tại Hội nghị thượng đỉnh Rio năm 1992 nhưng cuộc tranh luận về thay đổi khí hậu vì mục tiêu quân sự vẫn là một chủ đề khoa học ít được nhắc đến.
- HAARP và những nguy cơ
Hình thành từ năm 1992, hệ thống HAARP là một mạng ăng-ten được lắp đặt ở Gokona (Alaska), có công suất cực lớn đủ để truyền sóng radio cao tần với một lượng lớn năng lượng vào tầng điện ly, tạo ra “những thay đổi ở một khu vực được kiểm soát”. Các lực lượng không quân, hải quân và Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng cấp cao (DARPA) là chủ đầu tư của dự án này. Theo trang web chính thức tại địa chỉ www.haarp.alaska.edu, HAARP được sử dụng để “tạo ra một sự thay đổi nhỏ trong nhiệt độ của tầng điện ly để các phản ứng vật lý có thể được nghiên cứu bởi các phương tiện khác nằm ở trạm HAARP hoặc ở một trung tâm gần đó”.
Tuy nhiên, Rosalie Bertell, Chủ tịch Viện các vấn đề y tế cộng đồng quốc tế cho rằng HAARP vận hành như một “bộ máy khổng lồ có thể gây ra những xáo trộn trong tầng điện ly, có thể tạo ra không chỉ những lỗ hổng mà còn những đường rạch dài trong tầng bảo vệ ngăn chặn các tia chết người từ không gian xâm nhập vào hành tinh”. Về phần mình, tiến sĩ vật lý Bernard Eastlund gọi chương trình này là “bộ máy lớn làm nóng tầng điện ly”. Không quân Mỹ giới thiệu HAARP là một chương trình nghiên cứu nhưng các tài liệu quân sự lại khẳng định mục tiêu chính của chương trình là “tạo ra những thay đổi ở tầng điện ly” nhằm biến đổi các điều kiện thời tiết và làm xáo trộn thông tin liên lạc và các hệ thống radar.
Theo một báo cáo của Duma quốc gia Nga, “kế hoạch của Mỹ là thực hiện các thử nghiệm ở quy mô lớn để tạo ra một loại vũ khí có thể làm gián đoạn các đường liên lạc bằng radio, gây tổn hại đối với các máy móc được lắp đặt trên các thiết bị không gian và tên lửa, tạo ra những tai nạn nghiêm trọng trong các mạng lưới điện năng và các đường dẫn dầu, khí đốt và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của người dân ở nhiều khu vực”. Một cách tổng thể, những nghiên cứu bí mật của Mỹ cho phép nước này phá hoại và thống trị nhiều khu vực trên thế giới. Với loại vũ khí này, Mỹ có thể phá hoại các nền kinh tế, các hệ sinh thái và nền nông nghiệp, khiến các nước phải phụ thuộc vào Mỹ.
Hà Vy (Theo Globanresearch)
Theo Hiệp ước khung của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu (CCNUCC), Nhóm chuyên gia liên chính phủ về thay đổi khí hậu (GIEC) có nhiệm vụ “đánh giá những thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh tế - xã hội cần thiết cho việc hiểu rõ những thay đổi của khí hậu trên thế giới”. 2.500 nhà khoa học, quan chức và nhà hoạt động môi trường trên thế giới đã đóng góp công sức để soạn thảo một bản báo cáo dài hàng ngàn trang - được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2007. Thế nhưng, đáng tiếc là “cuộc chiến khí hậu” có nguy cơ đe dọa tương lai của nhân loại lại không được nhắc tới trong bản báo cáo này. Chương trình HAARP được xây dựng trong khuôn khổ đối tác Anh - Mỹ giữa Tập đoàn Raytheon và Công ty các hệ thống hàng không vũ trụ Anh (BAES). Việc thiết lập 132 máy phát cao tần đã được BAES giao cho chi nhánh của công ty này ở Mỹ thực hiện. Đến tháng 9-2007, BAES đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động mạng ăng-ten của HAARP. Giờ đây, hệ thống HAARP hoàn toàn có thể vận hành và xét về nhiều mặt, có thể vượt qua các hệ thống vũ khí chiến lược thông thường hiện tồn tại trên thế giới. Mặc dù không có bằng chứng chính thức nào chứng tỏ hệ thống này được sử dụng phục vụ các mục tiêu quân sự nhưng các tài liệu của không quân Mỹ cho thấy HAARP là một phần hoàn chỉnh của kế hoạch quân sự hóa không gian. |