Lịch sử bóng đá Việt Nam rồi sẽ ghi nhận cột mốc ngày 14-12-2011 như một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt không chỉ là với bóng đá mà cả thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên quyền quản lý và điều hành những giải đấu chính thức quốc gia được giao về một công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) được thành lập sau 3 tháng tranh đấu không biết mệt mỏi của các doanh nhân – ông bầu bóng đá nhằm đòi hỏi quyền được cư xử một cách bình đẳng, sòng phẳng so với tâm huyết và số tiền họ đầu tư vào bóng đá suốt hơn chục năm qua.
VPF mang rất nhiều trọng trách với bóng đá nước nhà nhưng để làm được điều đó cần có thêm thời gian. Nhưng trước hết, sự ra đời của nó là hệ quả tất yếu sau 10 năm thử nghiệm làm chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Kế đến, nó được hy vọng sẽ đem đến cho bóng đá sự sòng phẳng cần phải có sau một thời gian dài được xem là “phát triển một cách hỗn loạn” dưới sự điều hành của LĐBĐ Việt Nam (VFF).
Nói như vậy, không phải là phủ nhận công sức của VFF nhưng bộ máy quản lý của tổ chức này không thể theo kịp những diễn biến phức tạp của làng cầu nội địa, nơi mà bóng đá không chỉ còn đơn thuần là bóng đá mà là chuyện tiền bạc, chuyện công ăn việc làm của cả triệu con người cũng như những yếu tố xã hội đi kèm. Từ trước đến khi ra đời VPF, các CLB, những hạt nhân của nền bóng đá đã không nhận được sự đối xử công bằng. Không có các doanh nghiệp đầu tư thì sẽ không có bóng đá chuyên nghiệp nhưng tiếng nói của các CLB lại không được xem trọng. Đội tuyển quốc gia thi đấu không tốt, các CLB chịu trách nhiệm liên đới nhưng bản thân họ lại không nhận được sự điều hành công bằng trên thị trường chuyển nhượng hay đào tạo bóng đá trẻ. Dưới sự quản lý của VFF, các CLB “thay tên như thay áo”, thị trường “đen” chuyển nhượng hoạt động mất kiểm soát. Tiêu cực không giảm, cầu thủ không nâng cao trình độ và khán giả ngày một ít đến sân hơn.
Vì thế, không kỳ vọng VPF sẽ có ngay thành công nhưng hy vọng VPF sẽ tạo ra một cuộc chơi sòng phẳng hơn giữa các CLB. Đơn cử như việc phải dẹp bỏ ngay tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng”. Đây là “sản phẩm” của các ông bầu trong cơ chế mất kiểm soát trước kia. Nếu các ông bầu thành lập được VPF thì chính họ phải “tiên phong” trong việc giải quyết chuyện “nội bộ của các ông bầu”. Trước đây, VFF biết rõ chuyện này nhưng họ bất lực vì quyền lực các ông bầu quá lớn. Tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng” là một phần nguyên nhân tiêu cực cũng như tạo ra mảng đen trong hoạt động đầu tư bóng đá. Muốn VPF thành công thì chính các ông bầu phải sòng phẳng với nhau trước.
Nghe thật đơn giản nhưng không dễ để thực hiện. Không khó để nhận thấy, “đụng” vào vấn đề này sẽ nảy sinh các xung đột lợi ích và cũng không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp không còn muốn làm bóng đá nữa. Nhưng nếu không tạo ra sân chơi sòng phẳng hơn thì khán giả cũng sẽ quay lưng với sân cỏ và VPF lúc đó có tập hợp nhiều hơn các nhà kinh doanh tài ba thì cũng không thể làm thành công được.
Thành ra, VPF ra đời chỉ mới là điểm khởi đầu. Thể thao chuyên nghiệp Việt Nam cũng chỉ mới rẽ sang một ngả khác. Cả xã hội vẫn đang chờ VPF hoạt động ra sao để có thể làm tiền đề cho các cuộc thay đổi khác đang rất cấp thiết ở những môn thể thao như quần vợt, bóng chuyền, cầu lông…
ĐĂNG LINH