Cuộc đua phi thực tế!

Xếp hạng đại học là thước đo về chất lượng đào tạo giữa các trường đại học và ai cũng cho rằng đây là việc làm cần thiết. Mới đây, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục xới lại vấn đề này tại hội thảo “Đối sánh, xếp hạng và đảm bảo chất lượng trong giáo dục”. Vậy đại học Việt Nam có nhất thiết phải chạy theo mục tiêu xếp hạng để biết mình đang ở đâu hay cần tập trung đầu tư cho những vấn đề thiết thực hơn? 

Còn nhớ năm 2007, khi ra quyết định quy hoạch mạng lưới các trường đại học, Chính phủ đặt ra mục tiêu sẽ có một trường đại học Việt Nam lọt vào tốp 200 của thế giới vào năm 2020. Bộ GD-ĐT cũng đặt mục tiêu Trường ĐH Việt Đức sẽ lọt vào tốp 200 trường đẳng cấp thế giới… Theo nhiều chuyên gia, khi việc xếp hạng, với các tiêu chí, đánh giá, mới chỉ… bàn cho vui, dường như mục tiêu trên hơi viển vông.

Xếp hạng là việc cần làm để các trường biết mình đang ở đâu, song cũng không nên nôn nóng mà cần phải chuẩn bị kỹ yếu tố con người và cách làm. Nói về khó khăn trong việc xếp hạng trường đại học của Việt Nam, một chuyên gia nhìn nhận: Nếu như ở nước ngoài, người ta đưa ra thông tin công khai, trung thực các tiêu chí để từ đó phản ánh đúng chất lượng, các trường nhìn vào đó để phấn đấu, ngược lại, chúng ta làm theo thành tích, đối phó. Một khi muốn “bắt bệnh” để chữa mà chúng ta nóng vội, khai khống, thiếu trung thực, “bệnh” sẽ càng nặng. Như vậy, việc xếp hạng sẽ không đạt được kết quả như mong muốn mà trái lại còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Không cần nói đâu xa, ngay việc công khai kết quả kiểm định chất lượng mà bộ cũng thiếu tự tin, việc xếp hạng lại càng khó thực hiện hơn. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, các trường đại học Việt Nam cần xác định được tương quan so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới để xác định phương hướng và lộ trình phát triển nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu. Điều này chắc chắn phải làm, nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu? Chuyên gia hàng đầu thế giới về xếp hạng giáo dục đại học, GS William G. Tierney, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách giáo dục thuộc Trường ĐH Southern California (Hoa Kỳ), cho biết: Hiện nay, có nhiều tổ chức đứng ra lập những danh sách tốp 200, 500… cho các trường đại học trên thế giới nhằm mục tiêu hướng dẫn “khách hàng” và sinh viên. Và vị giáo sư này cũng thẳng thắn thừa nhận: “Để tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng trường đẳng cấp, trường ông phải mất 30 năm phấn đấu không mệt mỏi”.

Trở lại với thực tế của đại học Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, một trong hai ĐH lớn nhất nước, cũng đang xếp thứ 54 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2.850 thế giới. Nếu đầu tư để ĐH này lọt vào tốp 200 thế giới, có nghĩa phải vượt hơn 2.600 bậc, điều này quả thật như mò kim đáy biển. Còn Trường ĐH Việt Đức chỉ mới qua 2 mùa tuyển sinh thì liệu mục tiêu lọt vào tốp 200 có quá phi thực tế?

Xếp hạng đại học là việc làm không hề đơn giản và khá phức tạp khi phải so sánh, đánh giá một trường đại học này với một đại học khác. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở góc độ hướng dẫn và thông tin cho “khách hàng”, đây là việc cần thiết. Nhưng với thực tế hiện nay, đại học Việt Nam có cần phải chạy đua để có tên trong danh sách những trường đại học đẳng cấp thế giới hay nên thực tế hơn một chút để tập trung cho những việc thiết thực hơn như đầu tư cho cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, lương cho giảng viên… để chất lượng đầu ra có thể cạnh tranh, hội nhập được với quốc tế.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục