Kinh doanh máy bay dân dụng 2006

Cuộc so găng giữa hai đại gia

Boeing phá kỷ lục chính mình
Cuộc so găng giữa hai đại gia

Bảng tổng kết tình hình kinh doanh của lĩnh vực máy bay dân dụng trong năm 2006 nổi lên hai hình ảnh. Thứ nhất, sau năm 2005 bán được hơn 2.000 máy bay thì trong năm 2006 cả hai đối thủ mạnh nhất của nhau là Airbus và Boeing lại tiếp tục bán được thêm hơn 1.700 chiếc. Hình ảnh thứ hai là một Boeing (Mỹ) bán được nhiều máy bay hơn Airbus nhưng Airbus (vốn đầu tư của Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha) vẫn là nhà sản xuất số một thế giới vì giao được nhiều sản phẩm hơn Boeing.

Boeing phá kỷ lục chính mình

Cuộc so găng giữa hai đại gia ảnh 1
Boeing đã bán được hơn 400 chiếc 787 Dreamliner

Lần đầu tiên sau 5 năm liền bị đối thủ Airbus qua mặt, Boeing đã kết thúc năm 2006 với vị trí số một ở lãnh vực kinh doanh máy bay dân dụng. Tính đến ngày 30-12, Boeing “bay” về nhất nhờ bán được tổng cộng 1.014 máy bay, phá kỷ lục hãng đã lập được năm 2005 khi bán được 1.002 máy bay các loại. Còn Airbus thì đã bán được khoảng 700 chiếc.

Một ngày trước khi năm 2006 kết thúc, Boeing nhận tin vui từ một khách hàng lớn ở châu Á. Đó là Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air chính thức đặt mua 25 máy bay các loại, với tổng trị giá đơn hàng khoảng 5,6 tỷ USD. Việc Korean Airlines mua thêm máy bay nằm trong kế hoạch phát triển đội máy bay lên 137 chiếc vào năm 2010.

Ngoài ra, Boeing còn phấn chấn với kết quả thu được từ dòng máy bay 777 đang được xem là rất thành công, hơn hẳn đối thủ cùng chủng loại 2 động cơ phản lực bay tầm xa là A330 của Airbus. Đáng kể hơn nữa là sau nhiều năm “im ắng”, loại máy bay lớn 747 cũng đã lại nhận được một số đơn đặt hàng, đặc biệt là kiểu cải tiến 747-8F dùng để chở hàng hóa.

Airbus vẫn giao nhiều hàng hơn

Cuộc so găng giữa hai đại gia ảnh 2
Nghiên cứu phát triển A350XWB là thách thức lớn dành cho Airbus trong năm 2007

Trong khi Boeing tiếp tục nhận nhiều tin vui với dự án máy bay mới 787 thì Airbus lại gặp nhiều khó khăn với dự án máy bay khổng lồ A380. Tuy nhiên, sự chậm trễ giao hàng 2 năm so với kế hoạch ban đầu đã không ngăn cản một vài hãng lớn tiếp tục đặt mua thêm loại máy bay A380 có sức chở từ 555 đến hơn 800 hành khách bay xa liên lục địa này.

Một chuyên gia hàng không - ông Hamilton - nhận định rằng, năm 2006 tuy có nhiều tin buồn cho Airbus nhưng đó cũng là một năm rất thành công cho nhà sản xuất này. “Năm 2006 là năm bán hàng tốt thứ hai - sau năm 2005 - trong lịch sử của Airbus”, ông Hamilton nói. Thực tế là ở bên khâu giao hàng, Airbus vẫn là nhà sản xuất số một vì đã giao được 399 chiếc (tính vào thời điểm 30-11-2006) trong khi Boeing mới giao được 364 chiếc (tính vào ngày 20-12-2006).

 Năm 2005, Airbus bán được 1.055 máy bay và giao được 378 chiếc còn Boeing bán được 1.002 chiếc và giao được 290 chiếc. Có nghĩa là dòng chảy của đồng tiền tiếp tục tuồn nhiều hơn vào Airbus vì trong thông lệ kinh doanh máy bay, khách hàng phải thanh toán trọn số tiền mua máy bay khi nhận hàng.

Theo Hamilton, năm 2007 là năm thách thức lớn của Boeing. “Họ bắt đầu sản xuất các chiếc 787 đầu tiên, tiến hành bay thử và lúc ấy có thể sẽ thấy phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết”. Trước đây không lâu, chính tổng giám đốc Boeing Jim McNerney đã xác nhận kiểu 787 Dreamliner đang “quá cân” khoảng 5.000 pounds, cần phải khắc phục cho nó trở lại trọng lượng lúc thiết kế ban đầu.

Thách thức và hy vọng

Và thách thức cũng không thiếu ở phía Airbus. Ngoài việc nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hòng có thể giao chiếc A380 đầu tiên cho Singapore Airlines khai thác vào tháng 10-2007, Airbus còn phải làm sao cho dự án A350 XWB trở thành hiện thực. Đây là chương trình nghiên cứu phát triển dự kiến sẽ tốn kém khoảng 12 tỷ USD. Dự án này là rất cần thiết nếu Airbus không muốn để mất hẳn thị trường loại máy bay cỡ trung bay tầm xa (chở khoảng 250-350 hành khách) cho 787 Dreamliner của Boeing. Tính đến nay Boeing đã nhận được số đơn mua hơn 400 chiếc 787.

Tuy nhiên Airbus vẫn có tương lai xán lạn với dòng sản phẩm A380. Chỉ sau vài năm, khi A380 đã bay thương mại với các hãng khách hàng thì nó sẽ trở thành dòng máy bay tiên tiến “đè bẹp” mọi đối thủ - ông Malcolm English, một chuyên gia hàng không người Anh, tổng biên tập tạp chí Air International dự báo.

“Không cần nhìn đâu xa, khi Singapore Airlines bắt đầu khai thác A380 kể từ tháng 11-2007 trở đi thì sẽ có nhiều hãng hiểu trọn vấn đề hơn và sẽ phải quyết định mua loại máy bay có sức chở rất lớn này”, ông nói. Theo ông, hiện nay loại máy bay duy nhất có thể là đối thủ của A380 là dự án kéo dài và mở rộng thân chiếc 747-400 cho thành kiểu B747-8 của Boeing nhưng 747-8 cũng sẽ không tiết kiệm chi phí, chở nhiều hành khách và hàng hóa bằng A380.

Việt Khôi

Tin cùng chuyên mục