Cuộc sống mới bên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Sau 13 năm chờ đợi, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khánh thành vào cuối tháng 4. Đây là sự kiện quan trọng đối với người dân vùng ĐBSCL, bởi rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, thành khu vực với TPHCM và ngược lại; đồng thời làm thay đổi những cảnh đời từng gặp khó bởi sự ì ạch của tuyến cao tốc này. 
Tiệm tạp hóa của anh Lê Văn Nam bán đầy đủ đồ dùng
Tiệm tạp hóa của anh Lê Văn Nam bán đầy đủ đồ dùng

Mỏi mòn chờ đường cao tốc

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trải qua 13 năm thăng trầm, cũng là chừng ấy thời gian người dân sống bên cạnh tuyến đường này chịu cảnh cơ cực do sình lầy, đất đá, khói bụi, tiếng ồn… từ công trình gây nên. Nhiều hộ dân phải chịu đựng suốt thời gian dài, có nhà dọn đi nơi khác ở. Ruộng vườn không chăm sóc được hoặc bỏ hoang do vướng công trình. 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Tuyến cao tốc cắt ngang qua ruộng vườn của gia đình, ngoài phần giải tỏa thì chỉ còn vài trăm mét vuông nên chỉ trồng chút ít cây trái. Đối với đất ruộng khi nhận tiền bồi thường thì gia đình tính toán mua nơi khác để tiếp tục canh tác, hoặc đầu tư mua bán nhỏ mưu sinh”. Chỉ tay về hướng cầu Long Hòa B trên đường cao tốc phía trước nhà, bà Ngọc nói, đó là căn nhà cũ ngày trước. Từ lúc giải tỏa, gia đình phải che tạm để ở chờ đường sá xong sẽ sửa nhà lại. Nhưng chờ hoài chờ mãi, hơn chục năm dài…

Không chỉ bà Ngọc, xung quanh đường cao tốc còn rất nhiều hộ dân phải mất hàng giờ đồng hồ mới có thể đến được miếng ruộng của mình, mặc dù đứng bên này có thể nhìn thấy. Chỉ cách nhau mặt ngang đường, nhưng ông Nguyễn Văn Khanh (ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành) phải đi hơn 5km mới có thể đến ruộng lúa của mình. Ban đầu, ai cũng than thở nhưng sau thành quen, bởi chỉ một điều mong đợi là sớm hoàn thành đường cao tốc này để người dân đi lại nhanh chóng, dễ dàng… 

Nhiều hy vọng mới

Có thể nói, từ ngày khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, người dân quanh đây bắt đầu dọn về lại, chuẩn bị xây nhà và ổn định cuộc sống. Trên đường ĐT 876 dẫn vào đường cao tốc, tiệm tạp hóa bán đầy đủ không thiếu thứ gì của anh Lê Văn Nam (ngụ ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) án ngự bên đường. Khi tuyến đường vừa đi vào hoạt động, anh Nam mở thêm tiệm bán điện gia dụng và ống nước. Anh Nam tâm sự: “Bản thân đang làm việc tại TPHCM, nhưng khi thấy đường sá thông thương; nhất là khu đất của gia đình nhờ có đường ĐT 876 đi qua đã cắt thành 2 mặt tiền, nên tôi quyết định bỏ phố về quê làm ăn, nhằm thuận tiện chăm sóc gia đình. Khi đường ĐT 876 cắt qua, phần tiền đền bù gia đình xây nhà bên kia đường, còn bên này mở tạp hóa và điện nước để kinh doanh nên thu nhập cũng khá. Các con cũng chỉ mất gần 10 phút là đến trường, rất thuận lợi”. 

Cầu dân sinh bắc qua đường cao tốc này, đoạn thuộc xã Tân Phú (thị xã Cai Lậy), cũng góp phần thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Hơn 10 công đất của bà Nguyễn Thị Út do ảnh hưởng tuyến đường và cây cầu dân sinh, chỉ còn khoảng 2 công. Tuy nhiên, khi nhận được tiền bồi thường kha khá, bà Út mở tạp hóa buôn bán bởi căn nhà đã trở thành mặt tiền. Đối với phần đất còn lại, bà Út trồng mít và dừa… kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại những năm tháng mòn mỏi chờ đợi dự án hoàn thành để ổn định cuộc sống, bà Út nói: “Đến nay, tuy hết đất nhưng được cái là “ra mặt tiền dài” để chia cho con cháu cùng nhau mở cửa hàng kinh doanh, nên cả gia đình vui mừng khôn tả”.

Có thể nói, trong những gia đình sống cạnh tuyến đường cao tốc, người người tất bật lo thu dọn đồ đạc, sửa soạn nhà cửa; có nhà đang xây dựng, có nhà treo gắn bảng hiệu mở cửa hàng, cơ sở kinh doanh. Cuộc sống mới với nhiều hy vọng tốt hơn đang đến với bà con sinh sống ven tuyến cao tốc huyết mạch này…

Tin cùng chuyên mục