Không chỉ bùng phát ở khu vực nội thị, hàng dỏm còn đang gây náo loạn tại khu vực vùng ven TPHCM, đặc biệt quanh những khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông công nhân và người dân nghèo sinh sống, làm việc.
Chấp nhận rủi ro
Hàng dỏm khu vực vùng ven TPHCM được tạo thành một vòng cung dọc quốc lộ 1, chạy dài từ điểm đầu vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân đến Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức.
Cạnh khu công nghiệp Tân Tạo, Pou-Yuen (quận Bình Tân), trên đoạn đường chưa đến 300m dọc đường An Dương Vương chạy dài qua công viên Phú Lâm, quận 6, hàng loạt quầy, sạp công khai lấn chiếm lòng lề đường, bày bán đủ thứ mặt hàng như áo, quần, giày, dép, dây nịt, nón bảo hiểm… Người mua có thể dễ dàng tìm thấy tại đây những mặt hàng siêu rẻ: 3 đôi vớ giá 10.000 đồng, dây nịt 15.000 đồng, dép da 40.000 - 50.000 đồng… Các mặt hàng này thường có chất lượng kém. Vớ chỉ mang được vài lần là rách. Dép da nhìn bề ngoài không khác gì sản phẩm có thương hiệu nhưng khi tiếp xúc với nước, quai dép sẽ bị bong tróc, để lộ phần đế được làm từ giấy carton ép cứng bằng keo chứ không phải đế nhựa.
Ông Phạm Văn Toàn, chủ một cửa hàng chuyên bán dây nịt trên đường An Dương Vương, quận 6 cho biết, thông thường, một chiếc dây nịt chất lượng trung bình sẽ có tuổi thọ tối thiểu từ 6 tháng đến 1 năm. Sau thời gian đó, dây nịt mới xuất hiện những dấu hiệu hư hỏng. Trong khi đó, dây nịt chất lượng kém chỉ dùng được vài tuần là tróc keo, phai màu và tưa. Nếu đi mưa mà không cẩn thận, để tiếp xúc với nước thì còn hư hỏng nhanh hơn. “Tôi có bán hàng tốt lẫn hàng lô. Hàng tốt giá hơi cao, từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc, tùy loại. Ở đây, chúng tôi bày bán lấn chiếm lòng lề đường, lực lượng trật tự đô thị thỉnh thoảng vẫn kiểm tra. Nếu bị bắt coi như là mất trắng tiền vốn vì buôn bán lấn chiếm lòng lề đường phạt rất nặng, còn hơn cả số tiền mua hàng mới. Nếu lên nộp phạt để lấy hàng về thì không đủ tiền nên tôi thà bỏ hết hàng hóa bị tịch thu, đi mua cái khác để bán tiếp”, ông Toàn nói.
Tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), áo sơ mi chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng. Theo lời quảng cáo của người bán, đây là áo xuất khẩu, bị tồn kho nên các công ty xả hàng bán cuối năm, chất lượng rất tốt và giảm đến 79% giá bán. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, thực chất đây là hàng gia công, chất lượng thấp. Những loại áo này thường núp bóng nhiều thương hiệu khác nhau với những cái tên rất lạ như Domira, Robinson, Parkyounsoo, Renoma, Kingbond, Uniqlo... Nhưng cũng có những thương hiệu có tiếng như Lacoste, Crocodile Garments… “Mình làm công nhân ở gần đây nên cũng thường xuyên mua quần áo ở đây về mặc. Thú thật, tại công nhân ít tiền nên không có sự chọn lựa, chứ hàng ở đây chỉ giặt qua một hai nước là ra màu bạc trắng hoặc sờn rách. Được cái giá rẻ nên anh em ai cũng chấp nhận rủi ro mua về dùng”, anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Trà Vinh, làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung, cho biết.
Không những chất lượng kém, một số loại hàng còn được người bán quảng cáo là hàng hiệu nên “thét” giá trên trời. Một đôi giày khoảng 140.000 đồng có thể được thách với giá 250.000 đồng; áo thun 240.000 đồng nhưng nếu khéo léo, người mua có thể chỉ mua giá 130.000 đồng. Tuy nhiên, do những loại hàng hóa này không niêm yết giá cũng như không xuất hóa đơn bán hàng nên không ít người mua đã bị sập bẫy.
Núp bóng hàng công ty
Cách chợ Việt Lập, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vài trăm mét, nhiều điểm mua bán tự phát trên đường An Bình thị xã Dĩ An, Bình Dương tấp nập người mua kẻ bán. Những điểm bán hàng này nằm giáp với Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức TPHCM, chỉ hoạt động vào buổi chiều, khi công nhân tan ca.
Hàng hóa tại đây được bày bán tràn lan trên lòng lề đường, giá thành khá rẻ, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép… Một bộ đồ trẻ em có giá từ 25.000 - 35.000 đồng, bóp da “siêu rẻ” với giá 8.000 đồng, áo gió đủ kích cỡ và màu sắc khoảng 25.000 đồng, áo thun 15.000 đồng… Đáng chú ý, hầu hết những điểm bán hàng này đều khẳng định, là hàng ở các công ty trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tuồn ra nhằm tạo niềm tin cho khách hàng. Theo ông Vòng A Tiều, chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang cao cấp trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, việc khẳng định hàng từ công ty của các điểm bán hàng tự phát, mục đích là để đánh vào lòng tin khách hàng, còn thực chất đó chỉ là hàng gia công hoặc trôi nổi trên thị trường. “Nếu là hàng từ doanh nghiệp tuồn ra cũng không có giá thấp đến vậy. Chưa kể, chỉ cần nhìn vào đường kim mũi chỉ biết ngay đó là hàng dỏm, không thể nói là hàng công ty. Còn những điểm nếu có bán hàng công ty thật cũng không dám quảng cáo, vì khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý nặng do tiêu thụ hàng trộm cắp. Còn nếu đúng hàng công ty phải xuất trình được hóa đơn chứng từ, đằng này…”, ông Tiều giải thích.
Theo phản ánh của bà con tiểu thương, những loại hàng hóa trên được bày bán rất nhiều, do không phải đóng thuế hay thuê mướn mặt bằng nên giá rẻ hơn hàng hóa trong chợ và rất hút hàng. Chị Lê Ngọc Sương, chủ một cửa hàng kinh doanh bóp da, dây nịt tại chợ Việt Lập, cho biết doanh số bán hàng hiện nay chỉ bằng khoảng 70% so với thời điểm trước, nguyên nhân là do khó khăn kinh tế và bị cạnh tranh từ những điểm bán hàng tự phát. “Để cạnh tranh với các điểm bán hàng tự phát, tiểu thương tại chợ phải bán giá thấp theo giá của họ. Trong khi đó, chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống luôn đảm bảo hơn do phải giữ uy tín với khách quen, khác với các điểm tự phát chỉ bán hàng trôi nổi, kém chất lượng. Các điểm buôn bán tự phát mọc lên đã gây không ít khó khăn cho tiểu thương”, bà Phạm Thị Lam, tiểu thương bán quần, áo tại chợ Việt Lập than thở.
NGỌC QUÝ