Cuối năm mòn mỏi chờ lương

Công đoàn thương mại lớn nhất của Trung Quốc vừa công bố rằng họ đã giúp lao động nhập cư lãnh tiền lương trễ hạn tổng cộng 7,33 tỷ nhân dân tệ (1,19 tỷ USD). Số tiền lương này lẽ ra họ đã được thanh toán vào năm 2013.

Theo The Global Times, gần 1/5 người Trung Quốc là thành viên của Liên hiệp Công đoàn thương mại toàn Trung Quốc (ACFTU), với tổng số thành viên công đoàn là 290 triệu người trong năm 2013. Trong số này có 110 triệu người là lao động di cư từ các tỉnh lên làm việc ở các đô thị.

Sự chậm trễ chi trả lương đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người lao động nhập cư, nhất là khi họ cần những khoản tiền lớn để chuẩn bị về quê đón tết cùng gia đình. Trong số những người hay bị nợ lương, hoặc thậm chí bị “quỵt”, rơi vào các trường hợp lao động không có hợp đồng chính thức và do công ty báo lỗ hay phá sản. Nhiều người lao động làm việc trong các cơ sở nhỏ, sản xuất thủ công bị trả lương thấp và không được bảo hiểm giáo dục, y tế hay bất cứ các dịch vụ nào khác của chính phủ.

Theo ông Trần Hảo, Phó Chủ tịch ACFTU, tổ chức này đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi cơ bản của người lao động trong năm 2013, trong đó có việc đảm bảo người lao động được trả đủ 2 tháng lương cuối năm 2013 và giải quyết các tranh chấp liên quan đến tiền lương quá hạn. Nhiều lao động nhập cư Trung Quốc chỉ có thể về quê mỗi năm một lần vào dịp tết, vì vậy, mang chút quà và tiền dành dụm về cho gia đình trở thành truyền thống thiêng liêng. Nhưng nếu bị nợ lương, đối với họ đường về quê trở nên xa vời chứ chưa nói đến quà cáp cho người thân. Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, cơ quan này đã chuyển 890 trường hợp tiền lương chưa thanh toán cho cảnh sát giải quyết.

Theo truyền hình CCTV, anh Trung Tiêu, từ tỉnh Tứ Xuyên đến làm công nhân thạch cao tại khu tự trị Hồi Ninh Hạ trong 5 năm qua. Năm 2011, anh cùng nhiều đồng nghiệp làm việc cho một dự án biệt thự của công ty xây dựng Ninh Hạ Hetai. Dự án đã được hoàn thành trong tháng 5-2013 nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được tiền lương. Anh cùng nhiều công nhân khác là những người đang kiên nhẫn chờ đợi đến những giờ phút cuối cùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình trong thời tiết lạnh giá và trong tâm trạng xót xa khi tết đang rất gần. Trường hợp của anh và những đồng nghiệp đang được các quan chức địa phương điều tra và họ đang phải tiếp tục… chờ. Cái khó nhất với họ lúc này là không biết nói cho người thân khi nào mới có thể về nhà đón tết.

Từ năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch buộc các chủ thuê lao động phải thanh toán tiền lương đúng hạn sau khi một phụ nữ sống ở vùng nông thôn của Trùng Khánh yêu cầu Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo giúp cho chồng bà nhận 2.000 nhân dân tệ (330 USD) tiền lương trễ hạn một năm. Trung Quốc thừa nhận rất khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động nhập cư. Các ông chủ thường phát lương trễ hay “xù” lương công nhân rất ít bị giám sát. Trong khi nhu cầu tìm việc quá lớn khiến người lao động sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi. Thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội cho thấy, số tiền mà cơ quan quản lý lao động trên toàn Trung Quốc đã giúp công nhân đòi lại tăng từ 15,5 tỷ NDT (2,6 tỷ USD) trong năm 2011 lên 20,1 tỷ NDT (3,3 tỷ USD) trong năm 2012 và 22,3 tỷ NDT (3,6 tỷ USD) trong 11 tháng đầu tiên của năm 2013. Vấn đề nợ lương cũng đã lan rộng từ lĩnh vực xây dựng sang các ngành sản xuất và dịch vụ.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục