Hiện TPHCM có 7.200 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, ngưng nộp thuế, xin giải thể và con số này được dự báo sẽ tăng lên hàng ngày, điều đó dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chỉ tiêu thu ngân sách. Dù Nghị quyết 13 của Chính phủ đã ra đời, được triển khai rộng khắp, thế nhưng, DN khó khăn vẫn chồng chất khó khăn...
Khó khăn chất chồng
Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã được Bộ Tài chính và UBND TPHCM triển khai đến các sở ngành và DN. Các quy định về giãn, giảm thuế đã được ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cũng liệt kê chi tiết về việc gia hạn nộp thuế GTGT tháng 4, 5, 6 (không bao gồm thuế nhập khẩu) đối với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã; giảm 5% tiền thuê đất cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; gia hạn 9 tháng thuế thu nhập DN…
Dù đã có nhiều sự hỗ trợ như thế, nhưng hình như vẫn chưa giải quyết được khó khăn cho DN. Chẳng hạn như ở Cục Thuế TPHCM với gần 8.000 DN (do Cục Thuế quản lý) nhưng đến giờ chỉ có hơn 100 DN kê khai gia hạn thuế GTGT. Và trong thực tế đến 90% DN là DN nhỏ và vừa, theo kê khai thuế thì đến nay hơn 75% DN bị lỗ hoặc không có lãi. Như vậy chính sách giảm thuế thu nhập DN sẽ không có ý nghĩa “cứu” những DN khó khăn này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, chỉ gia hạn thuế GTGT 3 tháng không giải quyết hết những khó khăn của DN, mà cần phải gia hạn đến cuối năm, vì tình hình hiện nay rất khó khăn. Hơn nữa, quy định về điều kiện để DN được gia hạn thời hạn nộp thuế trong Nghị quyết 13 là DN phải có khó khăn tài chính, cụm từ này sẽ dễ dẫn đến cơ chế xin - cho, vì không thể xác định thế nào là khó khăn tài chính. Do vậy, cần xóa bỏ cụm từ trên. Đồng thời, cần xác định trình tự thủ tục xét duyệt giãn, giảm thuế đơn giản hơn, không phải thông qua UBND xem xét, vì như vậy sẽ chậm, nếu DN không được gia hạn sẽ bị phạt chậm nộp.
Về vốn vay và lãi suất ngân hàng, nhiều DN than rằng, hạ trần lãi suất nhưng DN vẫn không vay được vốn, hoặc vay với lãi suất cao. Để giúp DN, các DN đề nghị nhà nước yêu cầu các ngân hàng cho DN đáo nợ không phải nộp tiền vào khi làm thủ tục, vì như vậy DN phải vay nóng với lãi suất cao.
Giải pháp phải thiết thực
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, tình hình khó khăn hiện nay dẫn đến nguồn thu mất cân đối. DN không có lãi để nộp thuế, đã vậy, việc giảm, giãn thuế theo Nghị quyết 13 cũng ảnh hưởng đến nguồn thu.
Do vậy, để ổn định và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách thì việc làm trước tiên là phải cứu các DN. Cụ thể là giải quyết những bức xúc của DN. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng ý thủ tục giảm, giãn thuế cho DN phải thật đơn giản, do vậy, khi thực hiện hồ sơ nộp cơ quan thuế, DN không cần phải xác nhận của bất cứ cơ quan chức năng nào mà chỉ cần tự nộp tờ khai và tự xác nhận thuộc đối tượng giãn thuế GTGT. Nếu cơ quan thuế nghi ngờ không đúng thì tự kiểm tra.
Ngay cả đối với DN ngưng hoạt động, xin giải thể, cũng phải được hỗ trợ để họ đỡ tốn thời gian. Cơ quan thuế phải tăng cường thêm người hoặc thuê cơ quan kiểm toán giúp DN thực hiện nhanh thủ tục giải thể. Với khoảng 1.800 dự án đầu tư liên quan đến giãn thuế sử dụng đất, đề nghị không phân cấp về chi cục mà cấp Cục Thuế phải tập trung giải quyết cho nhanh. Ngoài ra, Cục Thuế phải thực hiện đúng kế hoạch thanh kiểm tra của mình, nhất là chống chuyển giá để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Bên cạnh đó, một giải pháp thiết thực mà nhiều DN sản xuất kinh doanh đề nghị là thay vì giãn thuế GTGT 3 tháng cho DN (thực chất là không phạt nộp chậm thuế, mà thời hạn 3 tháng cũng không giúp được gì nhiều cho DN) thì cần giảm thuế suất thuế GTGT xuống thấp giúp DN giảm giá bán sản phẩm. Bởi hiện nay, vấn đề kích cầu, giải quyết hàng tồn kho cho DN là vấn đề bức xúc nhất. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế suất thuế GTGT giúp DN giảm giá bán, kích cầu tiêu dùng trong dân nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, khủng hoảng…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Nhiệm vụ nào trọng tâm phải thực hiện ngay Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nêu nhiều nội dung các địa phương cần làm ngay, gồm: 1. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư: Năm 2011 thắt chặt đầu tư công, nay góp phần đảm bảo thị trường, trong đó có thị trường xây dựng, sản xuất kinh doanh… yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh triển khai và giải ngân kịp thời, hiệu quả các dự án năm trước, kể cả dự án năm nay. 2. Giao Bộ Tài chính bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để các địa phương vay không lãi, thực hiện các công trình xây dựng cơ bản nhằm góp phần giải quyết khó khăn một cách thiết thực nhất. Cục Thuế TPHCM phải báo cáo giải pháp đến cuối năm TPHCM có 70.000 DN khai thuế qua mạng (hiện đã có 50.000 DN). Cục Thuế tăng cường công tác hỗ trợ để DN có thể tự in hóa đơn từ máy tính của mình nhằm mục đích tiết kiệm (gần 100% DN nước ngoài tự in máy tính). |
HÀN NI