(SGGPO).- Sáng nay 19-10, tại Hà Nội, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã tổ chức hội thảo về việc bảo tồn loài voi, những chính sách xử lý các tang vật, mẫu vật ngà voi thu giữ được từ các vụ buôn bán và vận chuyển ngà voi nhập lậu.
Theo Cites, trong hơn 20 năm qua, số lượng voi hoang dã ở châu Á đã và đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Từ khoảng 1.500-2.000 con vào năm 1984 giảm xuống chỉ còn 200-230 con vào năm 1995 và cho tới năm 2004 thì chỉ còn khoảng 57-82 cá thể, rải rác tại 11 địa điểm.
Còn tại Việt Nam, Cites khẳng định hiện tính cả voi nhà và hoang dã thì tổng cá thể chỉ còn khoảng 70 con, trong đó khoảng 51 con là voi đang được nuôi tại buôn làng, còn lại là voi sống hoang dã nhưng rõ ràng không còn nhiều.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện và bắt giữ lô ngà voi nhập lậu vào nội địa là năm 2004. Sau khi đột nhập vào một nhà kho ở quận Long Biên (Hà Nội), cơ quan điều tra đã phát hiện có 750kg ngà voi được nhập lậu từ châu Phi. Từ đó tới nay, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ thêm 25 vụ ngà voi khác, với tổng số ngà voi thu giữ được là hơn 23000kg, tương đương khoảng 1550-4660 ngà của khoảng 775-2330 con voi (tính theo số cân nặng dự kiến là 5-15kg/ngà). Trong đó, có tới 23 vụ nhập lậu ngà vào Việt Nam là thông qua cảng Hải Phòng. Lớn nhất là vụ nhập tới 7 tấn ngà voi vào cảng Hải Phòng hồi tháng 3-2009. Gần đây mới có hiện tượng nhập lậu ngà voi về cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Vụ mới đây nhất là 2475kg ngà voi nhập lậu từ Mozambique về cảng Phước Long vào tháng 7-2012.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cites Việt Nam, tổng cộng chúng ta đã bắt được 24 tấn ngà voi, hiện đang lưu giữ trong kho chờ xử lý theo quy định của Cites.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia dự hội thảo đều đề nghị, cần có giải pháp cứng rắn xử lý các vụ nhập lậu ngà voi trái phép, đồng thời đưa ra chính sách bảo tồn đàn voi đang lưu giữ tại Việt Nam trước những nguy cơ bị săn bắn trái phép để khai thác ngà, buôn bán vì lợi nhuận.
PHÚC HẬU