Đã chọn được gần 30.000 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số

Đã chọn được gần 30.000 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số

(SGGPO).- Ngày 16-9, tại Thái Nguyên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc. Hội nghị biểu dương 14 người có uy tín tiêu biểu đại diện cho 11 dân tộc thiểu số khu vực miền Núi, Trung du phía Bắc.

Theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Họ là “cầu nối” năng động giữa các dòng họ, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa dân với Đảng và Nhà nước. Người có uy tín tiêu biểu nói dân nghe, làm dân theo. Thực tế cho thấy, nhờ họ mà nhiều công việc của địa phương, cơ sở được giải quyết thấu tình đạt lý, cán bộ nói mười không bằng họ nói một, cán bộ khó làm mà họ làm một cách dễ dàng.

Trong những năm qua, xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã tăng cường công tác chỉ đạo mặt trận các tỉnh, thành, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thực hiện các giải pháp phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, các địa phương đã tiến hành lựa chọn, xây dựng được 29.885 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực tiêu biểu trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo; trong bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc; trong bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cột mốc biên giới, hòa giải cộng đồng....

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm gần 15% dân số, là lực lượng rất quan trọng. Dù ở Tây Bắc hay Tây Nguyên, nếu không có đồng bào dân tộc ở miền núi thì chúng ta không thể có điều kiện giữ biên giới. Bà con dân tộc thiểu số đóng góp quan trọng vào việc giữ hòa bình, an ninh ổn định biên giới Việt Nam. “Bà con ta đoàn kết, góp phần tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc. Không có đoàn kết các đồng bào dân tộc thì không có đất nước ta hôm nay, đó là một thuộc tính quan trọng của dân tộc Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Hiện nay, MTTQ có đông đảo đại diện các đồng bào dân tộc thiểu số là ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mặt trận. “Nói với bà con dân tộc phải biết tiếng, hiểu rõ phong tục của bà con, vì vậy xây dựng cán bộ mặt trận là người dân tộc thiểu số có vai trò quyết định trong đoàn kết, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín, được bà con tín nhiệm lại càng quan trọng. MTTQ luôn đặt vấn đề phải làm sao phát huy được vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Việc phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua khá hiệu quả nhưng cần tiếp tục có giải pháp để phát huy tốt hơn. “Mặt trận luôn lắng nghe ý kiến thẳng thắn của người có uy tín, nhất là những kiến nghị về chính sách để làm tốt hơn công tác vận động bà con dân tộc thiểu số. Mong các vị với uy tín của mình vận động bà con cùng nhau làm ăn, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường, bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn”, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị.

Tại hội nghị, ông Triệu Văn Thành, dân tộc Dao, đại biểu uy tín, tiêu biểu xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đề nghị Nhà nước nên có cơ chế, chính sách cụ thể để những người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động có hiệu quả hơn. Bởi từ trước tới nay Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng kết quả thu được chưa cao, một số đồng bào dân tộc trên cơ sở đó đã ỷ lại vào Nhà nước, trông chờ Nhà nước đầu tư, hỗ trợ.

Bà Triệu Thị Minh Phương, dân tộc Dao, đại biểu uy tín, tiêu biểu huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đề nghị có thêm nhiều dự án đầu tư vào thủy lợi, giao thông, điện giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế, xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần có biện pháp thiết thực, cụ thể để giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân các dân tộc; giải quyết các nhu cầu chính đáng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ phát huy vai trò ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc, nhiều đại biểu đề nghị Luật Dân tộc qua các thời kỳ đều đã được đề cập nhưng vẫn chưa được ban hành; việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi vừa qua rất dàn trải, có chỗ hiệu quả thấp nên cần tập trung đầu tư có trọng điểm...

Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc nêu: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục