“Đá lộn sân” và “ngồi nhầm ghế”

Khi nói về sự phát triển vượt bậc của bóng đá Thái Lan trong những năm gần đây, người ta thường nhắc đến tầm vóc của Thai-League, tức giải ngoại hạng bóng đá Thái Lan, hiện đang được các tổ chức bóng đá thế giới đánh giá đã ngang tầm với J-League (Nhật Bản) về mức độ chuyên nghiệp.

Khi nói về sự phát triển vượt bậc của bóng đá Thái Lan trong những năm gần đây, người ta thường nhắc đến tầm vóc của Thai-League, tức giải ngoại hạng bóng đá Thái Lan, hiện đang được các tổ chức bóng đá thế giới đánh giá đã ngang tầm với J-League (Nhật Bản) về mức độ chuyên nghiệp.

Và khi nhắc đến Thai-League, những người làm bóng đá Thái Lan đều cảm ơn ông Ong-arj Kosinkar - người đã từng rời bỏ chức vụ Tổng thư ký của LĐBĐ Thái Lan để sang châu Âu học tập kinh nghiệm điều hành giải ngoại hạng và trở về xây dựng Thai-League hùng mạnh như hiện nay. Hiện ông Ong-arj Kosinkar đang là Chủ tịch của giải đấu này và trong tuyên bố mới nhất, ông khẳng định Thai-League không chỉ bắt chước mô hình mà sẽ áp dụng toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn theo đẳng cấp châu Âu chứ không phải của châu Á.

Câu chuyện ấy đủ để chúng ta nhận thức rõ hơn về khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Không đơn thuần chỉ là trình độ giữa 2 đội tuyển quốc gia mà còn ở những chi tiết nhỏ nhất như năng lực, cái tâm, cái tầm của những người điều hành. Nếu bóng đá Thái Lan có một Tổng thư ký dám bỏ “ghế” đi học thì bóng đá Việt Nam lại có một Tổng thư ký phải xin thôi nhiệm vụ vì trách nhiệm trong thất bại của đội U.23 tại SEA Games 2011, nhưng chỉ 3 năm sau, vị này quay lại với một chức vụ cao hơn là Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF). Điều đáng nói đây không phải là trường hợp duy nhất ở các nhiệm kỳ VFF.

Chưa hết, dù không trải qua một ngày làm công tác huấn luyện, cũng chưa từng có công trình nghiên cứu nào về bóng đá đỉnh cao, nhưng vị Phó chủ tịch VFF lại là Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, trưởng các ban bóng đá chuyên nghiệp và chiến lược. Tổng cộng, vị Phó chủ tịch VFF có đến 14 chức danh khác nhau trong và ngoài nước. Để một phó chủ tịch VFF ngồi quá nhiều chiếc ghế quan trọng về chuyên môn là do chưa bao giờ yếu tố chuyên môn lại bị xem nhẹ như tại nhiệm kỳ này. Đơn cử, 5 vị trí lãnh đạo cao nhất của VFF đều không có ai xuất thân từ cầu thủ, HLV. Một mặt, có thể thấy VFF đã được xã hội hóa ở mức cao nhất, nhưng một mặt lại không thể hiện được tính chất xã hội - nghề nghiệp của tổ chức này, dẫn đến hiện tượng “đá lộn sân” và “ngồi nhầm ghế” ở các bộ phận rất cần người am hiểu về chuyên môn để có thể tham vấn và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài cho nền bóng đá.

Không biết thì phải học để nâng cao trình độ, tuy nhiên quá trình học hỏi của bóng đá Việt Nam lại luôn là sự trì trệ lớn nhất. Nhờ sự giúp đỡ của bóng đá Nhật Bản, V-League từng có một chuyên gia sang làm trưởng BTC V-League, nhưng chỉ sau 5 tháng ngắn ngủi, khi ông này về nước, V-League lại được điều hành bởi một vị trưởng phòng tổ chức thi đấu của VFF vốn chưa từng trải qua kinh nghiệm điều hành thực tế. Ban đầu, V-League học theo mô hình tổ chức của Singapore, sau đó chuyển sang nghiên cứu mô hình của Hàn Quốc và bây giờ là Nhật Bản. Dù trải qua rất nhiều thay đổi, nhưng về bản chất V-League hiện nay không khác gì thời điểm chưa tiến lên chuyên nghiệp. Các CLB vẫn không thể tự chủ về tài chính, không có hệ thống các tuyến trẻ, không sở hữu sân vận động và Hội CĐV, dẫn đến tình trạng “biến mất” của gần chục CLB trong 5 năm gần đây. Đây cũng là lý do mà bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp vốn được xem là Luật Bóng đá chuyên nghiệp vốn được ban hành từ năm 2005 đến nay, nhưng mỗi năm lại chỉnh sửa một lần nhằm “giải quyết tình thế” thay vì phải được thống nhất để áp dụng một cách chuẩn xác.

Đội tuyển quốc gia mạnh hay yếu, có đẳng cấp hay không, tùy thuộc vào chất lượng của các giải đấu nội địa. Mà muốn các giải đấu nền tảng này phát triển, lại phụ thuộc vào năng lực điều hành của các nhà quản lý. Thế nhưng, một khi yếu tố chuyên môn bị xem nhẹ, sự đóng góp của các chuyên gia giàu kinh nghiệm chỉ được giới truyền thông phản ảnh thay vì là những ý kiến chính thức trong các cuộc hội thảo do chính VFF tổ chức, thì không có cơ sở nào để bóng đá Việt Nam thiết lập được một chiến lược dài hạn cho nền bóng đá. Rõ ràng, việc đầu tiên mà VFF phải làm trước khi muốn cải tổ bóng đá Việt Nam đó là chấm dứt tình trạng “đá lộn sân” và “ngồi nhầm ghế” ngay trong tổ chức của mình.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục