Đà Nẵng: Sau lũ là dịch bệnh

° Gần 40 người chết và mất tích do lũ° Chưa thể khắc phục sự cố sạt hầm đường sắt Hải Vân
Đà Nẵng: Sau lũ là dịch bệnh

° Gần 40 người chết và mất tích do lũ
° Chưa thể khắc phục sự cố sạt hầm đường sắt Hải Vân

Sau khi lũ rút, nhiều người dân đã về nhà bắt đầu khôi phục lại cuộc sống. Nhưng trước mắt họ, hàng loạt những khó khăn đang ập đến, nhất là nguy cơ dịch bệnh.

Đói, khát rình rập

 Theo tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tại miền Trung, tính đến đầu giờ sáng 15-11, mưa lũ đã làm chết 35 người và 4 người  khác mất tích. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm bị thương 27 người. Đã có 15.004 nhà bị sập, 331.045 nhà bị ngập, có đến  28.041 tấn thóc và giống bị hư hỏng, hơn 2 triệu con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, 51 chiếc tàu thuyền bị trôi và hư hỏng.

Lũ rút, 6 người trong gia đình ông Ngô Lộc (1932) tại thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang dắt díu về lại căn nhà ngập ngụa bùn non. Ngôi nhà tan hoang, đồ đạc trôi mất, chị Hồ Thị Anh Nga (con dâu ông Lộc) ôm đứa con vừa tròn một tuổi bật khóc... Bà Nguyễn Thị An, vợ ông Lộc, đã ngoài 80 tuổi, với bước chân run run đi khắp vườn nhặt nhanh những thứ còn sót lại. Bà than thở: Lúa gạo ướt hết, giếng ngập nước lũ, mấy ngày đến không biết lấy gì để ăn uống đây(?). Cả gia đình chỉ còn được 1 bao lúa đã bị ướt sũng. Càng đáng thương hơn, khi anh con trai duy nhất của cụ Lộc là Ngô Văn Hòa đã mất hoàn toàn khả năng lao động do bị tai nạn giao thông.
Hàng cứu trợ đến Tây Trà bằng máy bayẢnh: ANH VINH
Hàng cứu trợ đến Tây Trà bằng máy bayẢnh: ANH VINH

Ông  Phan Văn Luyện, trưởng thôn La Châu cho biết: Toàn thôn có 262 gia đình nhưng chỉ có 12 gia đình không ngập nước. Lũ đã cuốn trôi 1 tấn lúa và làm ướt 1,5 tấn lúa của bà con trong thôn. Càng đáng lo hơn, không một giếng nước nào trong thôn không bị ngập nước. Những ngày qua, người dân  phải hứng nước mưa để uống, bây giờ hết mưa cũng đồng nghĩa với nguy cơ thiếu nước. Nếu vài ngày tới, tình trạng cúp điện vẫn tiếp diễn thì dân cũng không còn gạo để nấu. Đến ngày 14-11, mỗi khẩu trong thôn cũng chỉ nhận được 2 gói mì tôm.

Hàng chục ngàn người dân nhiều xã khác của huyện Hòa Vang như Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước,...cũng đang rơi vào cảnh tương tự.

Bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy hoành hành

 Quảng Ngãi: Dùng máy bay chở hàng cứu trợ đến Tây Trà
Vào lúc 10g30 sáng nay, 15-11, Đoàn C54 thuộc Sư đoàn Quân chủng không quân 372 (Quân khu V) đã điều động 2 máy bay trực thăng vận chuyển 2,5 tấn lương thực, thực phẩm từ TP Quảng Ngãi lên huyện Tây Trà để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt. Đây là hai chuyến hàng cứu trợ đầu tiên được chuyển từ đồng bằng lên huyện vùng cao này trong gần một tháng nay do lũ lụt sạt lở gây tắc đường. Toàn huyện Tây Trà có 2.400 hộ với 10.000 nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói.

Anh Vinh

Lũ ngập sâu nhiều ngày, xác động vật bốc mùi. Môi trường vùng lũ ô nhiễm nghiêm trọng. Dịch đau mắt đỏ và tiêu chảy đã bắt đầu xuất hiện tại xã Hòa Khương. Tính đến sáng nay, 15-11, toàn xã đã có 50 ca đau mắt đỏ và 3 ca bị tiêu chảy. Riêng trường hợp em Phan Công Tài (2006) tại thôn La Châu phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vì bị tiêu chảy quá nặng.

Sau gần 2 ngày chạy lũ, mẹ con chị Lê Thị Cửu (55 tuổi), thôn La Châu, trở về nhà nấu bữa cơm đầu tiên. Nhà có 3 mẹ con nhưng cả 3 người đều bị bệnh. Hai đứa con, đứa lớn bị bệnh động kinh, đứa nhỏ bị bị ảnh hướng chất độc da cam nên chẳng biết gì. Hai cái chân bị sưng phù nhưng chị Cửu cũng chẳng biết mình mắc bệnh gì: “Bị phù là do  mắc bệnh gì hay chạy lũ bị té cũng nên. Chờ khi lũ rút, đến trung tâm y tế xã khám mới biết mình bị bệnh gì”.

Anh Đặng Công Cứ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Khương cho biết: Dịch tiêu chảy và đau mắt đỏ xuất hiện là do môi trường bị ô nhiễm nặng. Tại các vùng bị ngập lũ, thiếu nước sinh hoạt cũng dễ gây ra dịch tiêu chảy. Đã có khoảng 1.500 giếng nước trên toàn xã bị ngập nước, hiện trung tâm y tế xã chỉ biết phát thuốc lọc nước cloramin B và hướng dẫn cách sử dụng cho nhân dân. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, dịch bệnh sẽ lan rộng ra nhiều nơi khác.

Tại xã Hòa Phong đã có 5 người đau mắt đỏ. Ngoài ra, cũng có 5 người bị rối loạn tiêu hóa đang điều trị tại đây.

 Sáng nay, 15-11, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã huy động tối đa thiết bị và khoảng 100 nhân lực khắc phục sự cố sập hầm số 12 và 13 hầm đường sắt Hải Vân nhưng vẫn chưa thể khai thông tuyến đường sắt đoạn qua hầm Hải Vân, kéo theo tuyến đường sắt Bắc-Nam vẫn bị tê liệt.

Theo ông Nguyễn Văn Tý, giám đốc công ty, vị trí các hầm cách chân đèo phía Nam Hải Vân khoảng 7km, trong khi mưa lũ cũng đã gây sạt lở nặng tại 30 vị trí taluy dương gây tắc giao thông tại 6 vị trí trên đường đèo; từ Km 913+650 taluy dương sụt lở dài khoảng 60m đất lấp toàn bộ mặt đường gây tắc giao thông hoàn toàn. Muốn đến được hiện trường, các lực lượng phải đi cắt đường rừng. Vì vậy, tiến độ khắc phục có thể chậm nhiều so với dự kiến và chưa thể chắc chắn ngày cụ thể.

 
Nguyễn Hùng- Hà Minh

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục