(SGGPO).- Chiều nay 28-10, tại hội trường Quốc hội, các đại biểu tập trung góp ý về Giải pháp phòng, chống các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng.
Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp chiều 28-10. (Ảnh: LÃ ANH)
ĐB Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và là sự thách thức lớn đối với Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi. Những vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là: thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nếu trước đây giết người thường do: ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ, thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt (có vụ chỉ là do cái nhìn, do va chạm giao thông, tranh chấp cái mương nước, thậm chí chỉ từ vài quả chanh). Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp của từng vụ đã được nêu trong các kết luận tố tụng, ĐB Lê Thị Nga nhấn mạnh, nhiều nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô, trong đó có những “khoảng trống” trong giáo dục nhân cách (dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình); tiêu cực trong thông tin, truyền thông (đưa hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài, góp phần đánh thức phần bản năng xấu trong thanh thiếu niên)… Đáng lưu ý, áp lực quá lớn từ truyền thông cũng có thể khiến cho điều tra viên nôn nóng phá án, dễ dẫn đến bức cung, nhục hình, oan sai. Trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cần được đề cao. Việc Bộ công an tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin chính thống như vừa qua là rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế việc cho phép đưa lên truyền thông hình ảnh chi tiết các cuộc khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra như vừa qua.
Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa; đồng thời gửi đến người dân thông điệp Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu bia; Luật về sức khỏe tâm thần.
Về phía Chính phủ, cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp. ĐB Lê Thị Nga cũng đề nghị Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em xây dựng Chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.
ANH PHƯƠNG