Chung kết cuộc thi lập trình điều khiển robot
(SGGPO). - Sau hơn 5 tháng tổ chức triển khai và tiến hành các vòng loại cuộc thi lập trình ứng dụng điều khiển robot (S.M.A.C Challenge), hôm nay, 2-11, 4 đội mạnh nhất gồm: ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội, ĐH FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Kỹ thuật quân sự đã tranh tài tại vòng chung kết.
Vòng chung kết với 3 phần thi đầy kịch tính: nghệ thuật (robot nhảy múa theo nhạc), trí tuệ (trình diễn ứng dụng và robot sẽ trả lời các câu hỏi từ ban giám khảo), sức mạnh (đối kháng trong sân: robot phục vụ quán café). Hơn 1.000 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn tham gia theo dõi trận chung kết đã làm nên không khí sân chơi thực sự náo nhiệt.
Theo đánh giá của ban tổ chức, cả 4 ứng dụng lọt vào vòng chung kết năm nay đều có khả năng ứng dụng xã hội cao. Cụ thể, ứng dụng của ĐH FPT là ứng dụng Robot bán vé tàu thông minh, hỗ trợ khách hàng tìm và đặt vé đơn giản; cung cấp mọi thông tin về hành trình tàu; tư vấn thông minh về các chương trình khuyến mại, lịch trình di chuyển...
Ứng dụng robot của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ứng dụng bác sỹ gia đình, theo đó robot có chức năng phát hiện bệnh và tư vấn sức khoẻ, như chế độ ăn thích hợp theo thể trạng mỗi thành viên, phát hiện bệnh dựa vào nhịp tim, huyết áp...; hỗ trợ điều trị bệnh (nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ...); bảo vệ sức khoẻ.
Sản phẩm của Học viện Kỹ thuật quân sự là ứng dụng thông điệp tới TV. Ứng dụng này giúp người dùng có thể tương tác với tv qua giọng nói; Tìm kiếm chương trình, kênh.. theo ý của người dùng; giúp thư giãn và tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm chương trình hay trên TV.
Sản phẩm dự thi của ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội là ứng dụng Robot làm trợ lý giáo viên. Những chức năng chính của Bottono (tên ứng dụng) chủ yếu tập trung vào việc quản lý học sinh/sinh viên và kiểm tra vấn đáp. Bao gồm các chức năng chính: điểm danh, bật tắt các thiết bị trong giảng đường; quản lý hồ sơ sinh viên cho phép truy xuất dễ dàng; thi vấn đáp: kiểm tra kiến thức sinh viên/học sinh vào cuối kì…
Kết quả, đội ĐH FPT với sản phẩm là ứng dụng Robot bán vé tàu thông minh đoạt giải nhất. ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội đoạt giải nhì với sản phẩm Robot làm trợ lý giáo viên. 2 đội còn lại là Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Kỹ thuật quân sự lần lượt nhận giải 3,4.
Theo đánh giá chung, năm nay các sản phẩm dự thi có tính thực tiễn cao hơn, độ hoàn thiện tốt hơn. Đặc biệt, công nghệ tương tác với gọng nói được các bạn sinh viên phát huy rất tổ trong cuộc thi năm nay.
Hiện Ban công nghệ FPT đang hỗ trợ các bạn đưa ứng dụng lên mobile để trở thành các ứng dụng có giá trị xã hội tại tại địa chỉ www.ziizapps.com để phục vụ cộng đồng.
PHAN THẢO