5 bạn trẻ đến từ trường Đại học Ngoại thương TPHCM vừa vinh dự được chọn tham gia vòng chung kết khu vực của cuộc thi Hult Prize lần thứ 6 diễn ra tại Thượng Hải vào tháng 3-2015.
Cuộc thi thường niên Hult Prize Challenge là cuộc thi lớn nhất dành cho sinh viên trên toàn thế giới và được xem như là nền tảng của các dự án khởi nghiệp vì mục tiêu cộng đồng. Được hỗ trợ và sáng lập bởi Chủ tịch Bill Clinton và Quỹ Clinton Global Initiative, cuộc thi nhằm mục đích tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh xã hội hướng đến việc giải quyết những vấn đề nóng trên toàn cầu. Các nhóm sinh viên trên toàn thế giới sẽ thử thách và tranh tài nhằm giành lấy giải thưởng 1 triệu USD để bắt đầu dự án khởi nghiệp xã hội của mình.
Cuộc thi năm nay với đề tài “Giáo dục sớm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các khu ổ chuột” được lựa chọn bởi Chủ tịch Bill Clinton và đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên trên thế giới quan tâm đến vấn đề trên tham gia. Đội tuyển đến từ Đại học Ngoại thương TPHCM với Trương Thế Vũ, Lê Bùi Phước Lộc, Đào Thị Cẩm Vân, Phạm Phương Nga và Nguyễn Ánh Nhật Hạ (ảnh bên) đã cạnh tranh cùng hơn 20.000 đối thủ khác để được chọn trở thành 1 trong 250 đội tham gia vào vòng chung kết khu vực tại 5 thành phố Dubai, Boston, Thượng Hải, San Francisco, Luân Đôn nhằm chọn ra 6 đại diện xuất sắc nhất tham gia vào vòng chung kết tại New York.
Cả năm thành viên trong đội hiện đều đang là thành viên Ban Quản trị AIESEC Đại học Ngoại thương TPHCM. Chính những trải nghiệm có được từ việc làm trong các dự án xã hội của AIESEC, tiếp xúc với môi trường toàn cầu và gặp gỡ các doanh nghiệp quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng mà đặc biệt là giới trẻ đã truyền cảm hứng cho đội có động lực và quyết tâm chinh phục giải thưởng lần này để tạo nên “sức ảnh hưởng” của sự phát triển bền vững mà các doanh nghiệp trong tương lai có thể đem lại.
Đại diện của nhóm chia sẻ: “Thời gian chuẩn bị dự án chưa đầy hai tháng do vậy hiện tại nhóm đang tập trung vào vấn đề quan trọng nhất là xây dựng được một mô hình kinh doanh tự tạo ra doanh thu (social enterprise) là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dưới 6 tuổi trong gia đình có thu nhập thấp. Những thử thách mà nhóm đang gặp phải bài toán làm sao tạo ra doanh thu duy trì hoạt động cho mô hình vì đối tượng là các gia đình thu nhập thấp, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng của mô hình giáo dục đến các em. Do vậy, nhóm cũng đang tìm kiếm các tổ chức, cá nhân để cùng nhau thực hiện dự án xã hội này, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục cho trẻ em ở nước ta”.
Hiện nhóm đang gấp rút chuẩn bị để hoàn thiện dự án của mình để sẵn sàng cho hành trình đến Thượng Hải tháng 3 tới.
C. NGỌC