Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2010 – 2015: Gia Lai từng bước chuyển mình

Chuyển mình mạnh mẽ
Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2010 – 2015: Gia Lai từng bước chuyển mình

Trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn, thách thức do diễn biến kinh tế xã hội còn nhiều phức tạp… song Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2005 - 2010) đề ra.

TP Pleiku - Trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Gia Lai.

TP Pleiku - Trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Gia Lai.

Chuyển mình mạnh mẽ

Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, kinh tế của tỉnh Gia Lai tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,6%/năm. Đến năm 2010, quy mô nền kinh tế tăng 3,24 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người đạt 14,54 triệu đồng/năm.

Cơ chế, chính sách và môi trường thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng. Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được đầu tư xây dựng, cùng với việc hình thành khu vực tam giác phát triển giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; khánh thành đường 78 (nối Gia Lai với vùng Đông Bắc Campuchia), tạo điều kiện thuận lợi để khu vực cửa khẩu phát triển nhanh, TP Pleiku sẽ trở thành tâm điểm của khu vực.

Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,32%; đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, vận tải... đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự ra đời của CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm Đào tạo bóng đá Hoàng Anh Arsenal- JMG, Bến xe Đức Long Gia Lai, Trường Phổ thông Nguyễn Văn Linh... Đó là những mô hình xã hội hóa tiêu biểu, góp phần quảng bá hình ảnh của Gia Lai.

Công tác xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo chặt chẽ, nề nếp và dần đi vào thực chất hơn. Số cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh bình quân đạt 63,5%, thu hẹp diện yếu kém; chất lượng đảng viên được nâng lên qua các năm. Trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp 11.272 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 2.254 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên gần 35.000 đảng viên. Hệ thống chính trị cơ sở ở Gia Lai không ngừng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Nhiều mục tiêu mới

Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Trung ương, cùng với việc phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm đổi mới, vượt qua thách thức của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận dụng phù hợp, có hiệu quả vào điều kiện thực tế ở địa phương.

Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh bước đầu đã huy động được các nguồn lực cho phát triển. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng Đảng được chú trọng; dân chủ trong nội bộ, sự đồng thuận trong xã hội và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên.

Trên lĩnh vực giáo dục, trong giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh sẽ thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực ở An Khê, Ayun Pa; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện; sẽ thành lập Trường Đại học Gia Lai và chuyển đổi Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thành Trường Cao đẳng Gia Lai thực hiện nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng trường cao đẳng nghề và trung tâm dạy nghề ở một số huyện; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục dân lập, tư thục và xây dựng xã hội học tập; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đủ năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và chuyên gia trên các lĩnh vực.

Đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh sẽ triển khai lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết TP Pleiku, trên cơ sở đó tập trung đầu tư xây dựng để nâng cấp TP Pleiku xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của tỉnh, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, công nghiệp và dịch vụ phát triển. Xây dựng đô thị cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh – Đức Cơ thành vùng động lực và tiếp tục đầu tư vào các vùng động lực đã xác định như thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê về hạ tầng kinh tế - xã hội; giữ vững diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái; phát triển bền vững cả 3 loại rừng, tăng diện tích rừng trồng và độ che phủ của rừng.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục