Tết Quý Tỵ vừa đi qua, bên cạnh niềm vui một số mặt hàng nông sản được giá, nông dân trồng hoa có nơi không bán được, phải nhổ bỏ. Tại ĐBSCL, nông dân trồng lúa đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân nhưng giá lúa xuống thấp, khó bán; nông dân nuôi cá, nuôi tôm chùn tay không dám đầu tư nuôi mới vì nguy cơ lỗ vốn quá lớn. Rõ ràng, trên bình diện chung, nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất nông sản ở nước ta chưa tốt, tồn tại quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm; chất lượng nguyên liệu, quá trình bảo quản, chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ; vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và hợp tác với nông dân còn mờ nhạt, thiếu ràng buộc các quy định pháp lý. Vấn đề này đã được nói tới nói lui nhiều lần, đã được đưa ra bàn thảo, đưa vào chủ trương, chính sách nhưng việc triển khai quá chậm, hậu quả là nông dân lãnh đủ.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, các chuyên gia nhận định nông nghiệp, nông thôn đang kiệt sức. Vì vẫn tiếp tục tăng trưởng theo mô hình cũ, dựa vào tài nguyên nên tuy sản lượng tăng nhưng thu nhập của nông dân không tăng nhiều. Tốc độ giảm nghèo gần đây chững lại, là điều chưa từng xảy ra sau nhiều năm (trung bình giảm được 2% hộ nghèo mỗi năm). điều này chứng tỏ đời sống của người dân cải thiện chậm, là điều cực kỳ đáng lo ngại.
Thực tế cho thấy, hiện một số loại cây trồng đã vượt ra khỏi diện tích tối ưu về đất trồng và nước tưới, thủy sản gần bờ cạn kiệt, nuôi trồng thủy sản có loại đã ngoài phạm vi kiểm soát, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, bệnh dịch liên miên, mà rõ nhất là dịch bệnh trên tôm trong năm qua. Nhiều dấu hiệu cho thấy, có ngành sản xuất đã đi vào biên độ mất an toàn, nếu tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nguy cơ rủi ro là khó tránh khỏi. Do vậy, phải có một bước chuyển quan trọng, chuyển hẳn sang tăng trưởng theo chiều sâu. Nếu chấp nhận để nông nghiệp mất vài năm tăng trưởng chậm lại, cả nền kinh tế cùng ngành nông nghiệp “tái cơ cấu”, thay đổi tới gốc rễ, thì tương lai mới có đà tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn.
Ví dụ về lúa gạo, trước hết cần làm đúng quy trình: Doanh nghiệp đầu tư vốn thu mua lúa tươi trong nông dân rồi chủ động sơ chế, sấy tập trung, bảo quản, đến khi có hợp đồng mới xay để xuất khẩu. Cần có cơ chế chính sách ưu đãi nông dân, doanh nghiệp đầu tư các công đoạn cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa, kho chứa hiện đại gắn kết với hình thức bao tiêu thu mua hợp lý và chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở những cánh đồng mẫu lớn. Doanh nghiệp sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, chỉ có doanh nghiệp mới có thể tự tìm thị trường, lựa chọn công nghệ phù hợp.
Về thủy sản (tôm, cá tra), đã đến lúc phải siết chặt việc quản lý từ vùng nuôi đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Cần đưa cá tra, tôm sú vào nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Theo đó, người nuôi phải trong vùng quy hoạch, có vốn, am hiểu kỹ thuật, gắn kết với nhà máy; doanh nghiệp xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng… Về lâu dài, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển vùng nguyên liệu thông qua các loại hình liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn trước… nhằm giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu, tránh tình trạng giá cả nguyên liệu lên xuống thất thường như thời gian qua, gây thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những vấn đề như liên kết vùng, gắn kết nông dân và doanh nghiệp, liên kết trong chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ… là những vấn đề cần phải được triển khai ngay, quyết liệt. Các cơ quan chức năng trung ương phải có vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải làm căn cơ, đồng bộ để đạt hiệu quả cao hơn nhằm nâng cao đời sống, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
TRẦN MINH TRƯỜNG