Đảm bảo quyền lợi của dân trong khu quy hoạch

Cầm quyết định cho phép xây dựng tạm của chính quyền, một bác hưu trí rưng rưng nước mắt: “Cháu thử tính giùm bác xem, lương hưu của vợ chồng bác chưa tới chục triệu đồng/tháng. Cộng với khoản dành dụm thời còn đi làm, được chưa tới 300 triệu đồng. Thu nhập của vợ chồng lúc đi làm, trên 15 triệu đồng/tháng, nuôi 2 đứa con… nhịn ăn, nhịn mặc mãi mới có được từng đó. Vậy mà bây giờ muốn xây lại ngôi nhà trên mảnh đất ông cha để lại, để an dưỡng tuổi già thì lại được cấp cái giấy phép xây dựng tạm này.

Mấy cậu bên phòng quản lý đô thị - nơi cấp phép cho bác, có giải thích rằng, nhà bác nằm trong khu quy hoạch làm đường giao thông, nên chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Ừ thì cứ cho là cần phải chỉnh trang đô thị cho quê hương đẹp hơn nhưng lý đâu mà bắt những người nằm trong khu quy hoạch bị thiệt thế? Rồi còn buộc họ phải cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn (thường là 5 năm, theo quy hoạch xây dựng - PV). Nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ?”. Thực lòng, cũng chẳng biết nói gì với bác bởi các cán bộ phòng quản lý đô thị - nơi bác xin phép, nói không sai. Theo Luật Đất đai năm 2014, “khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm.

Bác hưu trí tiếp lời: “Xây một ngôi nhà nhỏ, cấp 4 mà ở cho được cũng tốn ít nhất 200-300 triệu đồng. Với gia đình tôi, đó là khoản tiết kiệm cả đời. Vậy mà phải tháo dỡ, không được bồi thường khi nhà nước thực hiện quy hoạch… Ai có thể chấp nhận được điều này?”.

Đáng nói, câu chuyện của bác hưu trí trên không cá biệt mà ngược lại, khá phổ biến bởi việc “phủ kín” quy hoạch xây dựng được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Một số địa phương, trong đó có TPHCM, đã nghiên cứu và  đề xuất hỗ trợ một phần chi phí xây dựng tạm cho người dân… Thế nhưng dường như mọi việc vẫn chưa như kỳ vọng. Người dân trong vùng quy hoạch, nhất là vùng quy hoạch làm cây xanh, đường giao thông hay các công trình công cộng khác, vẫn bị thiệt thòi nhiều so với người dân không “nằm” trong quy hoạch hoặc “nằm” nhưng phù hợp với quy hoạch (ví dụ, quy hoạch làm khu dân cư thì người dân được làm nhà - PV).

Đơn cử, Luật Đất đai qua các thời kỳ 1987, 1993, 1998, 2001, 2003, 2013 và các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đã mở ra rất nhiều hướng cho người dân được thực thi đầy đủ các quyền lợi hợp pháp đối với mảnh đất của mình như làm giấy tờ, xây dựng nhà ở lâu dài… song người dân trong vùng quy hoạch lại không được thực thi đầy đủ các quyền đó.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi làm việc với quận Bình Thạnh và chủ đầu tư Bitexco (lúc đó Bitexco được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa), nhiều đại biểu HĐND TPHCM đã đề nghị, khi bồi thường người dân Bình Quới - Thanh Đa, phải tính đến yếu tố lịch sử. Đó là vì bị quy hoạch treo, hầu hết người dân ở đây đã không thể làm đầy đủ các giấy tờ nhà đất theo quy định.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch đều cho rằng nên rà soát lại các quy định về quyền lợi hợp pháp về đất đai, nhà cửa của người dân trong vùng quy hoạch. Việc hạn chế người dân xây, sửa hay chỉ cấp phép xây dựng tạm…có thể giúp nhà đầu tư hoặc nhà nước bớt chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng lại đẩy người dân vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hậu quả, công tác giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó… mà thực tế, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn chậm trễ, phát sinh nhiều khiếu kiện, là bằng chứng. Nếu tính đúng, tính đủ các thiệt hại về chậm trễ tiến độ xây dựng công trình (do giải tỏa không được) trong không ít trường hợp còn nhiều hơn chi phí đền bù khi tính đúng, tính đủ toàn bộ quyền lợi hợp pháp của người dân. Đó là chưa kể đến những tác động xấu về mặt xã hội khi người dân trong vùng quy hoạch bức xúc, phát sinh khiếu kiện.

Tại phiên giải trình về quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên cây xanh do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức ngày 27-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TPHCM sẽ xem xét lại chính sách đối với người dân trong vùng quy hoạch và nhấn mạnh: “Những việc làm giảm thiểu thiệt hại cho người dân thì không thể không làm. UBND TPHCM sẽ tính toán để kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này”.

Mong rằng, với quan điểm này, TPHCM sẽ xem xét và nếu cần đề xuất Chính phủ báo các Quốc hội rà soát lại các quy định liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. Đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch là việc phải làm và phải làm ngay để vừa trả lại công bằng cho người dân vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có giải phóng mặt bằng và cũng giữ ổn định xã hội.

Tin cùng chuyên mục