(SGGPO).- Vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội phân tích, cho ý kiến trong phiên họp Quốc hội sáng nay, 16-11.
Theo ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), định nghĩa về tổ chức công đoàn (điều 10 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi) không còn phù hợp, vì hiện có nhiều loại hình doanh nghiệp, quyền lợi của giới chủ và người sử dụng lao động không đồng nhất.
Bày tỏ quan tâm đến vai trò, hiệu quả hoạt động của QH, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) phân tích, để khắc phục sự chồng chéo trong thẩm quyền quyết định ngân sách địa phương hiện nay, dự thảo Hiến pháp cần quy định theo hướng, QH vẫn quyết định ngân sách địa phương, nhưng theo trung hạn và không quá chi tiết để tạo sự chủ động cho địa phương trong quản lý điều hành. ĐB thống nhất với việc quy định về Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp, song đề nghị giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm (thay vì rút xuống 5 năm như dự thảo) để đảm bảo tính độc lập của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra sử dụng tài chính công.
Tương tự, ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng đề nghị, nhiệm kỳ của thẩm phán nên là 10 năm, hội thẩm nhân dân thì theo nhiệm kỳ của HĐND. Đặc biệt, ĐB Trường đề nghị quy định về đồng tiền Việt Nam trong Hiến pháp, tuy không giải thích rõ thêm về kiến nghị này.
Đưa ra những lý do về sự bất cập trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng, nên quy định thành lập cơ quan bảo hiến, tức Hội đồng hiến pháp. Trong việc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, ĐB đề nghị Ban soạn thảo có giải trình rõ ràng về Hiến pháp, phổ biến đầy đủ đến nhân dân, đồng thời lưu lại để tránh những cách hiểu khác nhau và không chính xác.
Cũng trong phiên họp sáng, nhiều ĐB bày tỏ quan tâm đến nhánh quyền lực tư pháp. ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị bổ sung quy định về hội thẩm nhân dân, “nhằm đảm bảo tòa án thực sự là của nhân dân”.
Một số ĐB khác tiếp tục đề nghị quy định Viện Kiểm sát là cơ quan tư pháp; có ý kiến đề nghị coi Tòa án cũng là cơ quan tư pháp; song ý kiến khác lại cho rằng Tòa án không hoàn toàn có chức năng tư pháp mà còn có chức năng giải thích pháp luật và hành pháp – trong một chừng mực nhất định…
Đáng lưu ý, trong khi ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) và một số ĐB khác đưa ra đề xuất bổ sung quy định nhằm khẳng định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương thì ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) có quan điểm khác: “Ở nước ta, quan điểm là nhà nước tập trung, đơn nhất, chứ không phải chế độ liên bang, do đó không nên đặt ra vấn đề chính quyền địa phương trong Hiến pháp”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị bổ sung chế định “Thủ đô được phép ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù”…
Nhấn mạnh yêu cầu về một tầm nhìn dài hạn cho Hiến pháp, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) đề nghị Ban soạn thảo chú trọng đến nội dung về chiến tranh và hoạt động của QH trong thời chiến. Ông Nhã phát biểu: “Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng Hiến pháp cần tiên liệu được mọi trường hợp có thể xảy ra, chẳng hạn như khi chiến tranh xảy ra, QH không họp được thì cơ quan nào sẽ thay thế để đảm đương nhiệm vụ lập pháp và tiến hành các hoạt động khác”?
Theo ĐB Trần Đình Nhã, cần trao thêm cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh một số quyền hạn đặc biệt trong trường hợp xảy ra chiến tranh, song phải báo cáo lại với QH tại kỳ họp gần nhất. Việc sửa đổi quyền hạn của QH về tuyên bố tình trạng chiến tranh và hòa bình là chưa đầy đủ; tốt hơn là nên giữ như Hiến pháp hiện hành.
Đặc biệt, ngay trong phiên họp sáng nay, “nhân việc QH thảo luận về Hiến pháp mà một trong những nội dung quan trọng nhất là quyền con người”, ĐBQH Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đã lên tiếng về việc nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi lại vừa phải tiếp tục hứng chịu thêm một trận động đất lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở khu vực này…
Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận về nội dung sửa đổi Hiến pháp.
ANH PHƯƠNG