Theo phản ánh của người dân tại các quận huyện TPHCM, việc chậm ban hành giá đất để đóng thuế phần vượt hạn mức theo Nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định bổ sung quy hoạch sử dụng đất (SDĐ), giá đất, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đã gây ách tắc tại các chi cục thuế khi xác định thuế cho các trường hợp có nhu cầu hợp thức hóa, chuyển nhượng quyền SDĐ.
- Ách tắc
Năm 2009, bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ phường 13, quận Gò Vấp) nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 165m² với giấy tờ hợp pháp và phù hợp quy hoạch. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ được bà nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng UBND quận Gò Vấp và nơi đây hẹn đến ngày 25-10-2009 sẽ giải quyết.
Quá thời gian trên, bà Hiền vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền SDĐ. Chạy qua Chi cục Thuế quận Gò Vấp, bà Hiền mới biết hồ sơ của mình bị ách lại chờ giá đất đóng phần vượt hạn mức 5m². Hơn 1 năm qua, bà vẫn không đóng được thuế vì UBND TP chưa ban hành giá đất sát với thị trường đối với diện tích đất vượt hạn mức quy định (khu vực quận Gò Vấp là 160m²).
Tương tự, ông Đoàn Văn Ninh (phường Thạnh Xuân, quận 12) nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 220m². Tháng 6-2009, ông đóng thuế chuyển mục đích SDĐ 200m² và được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành tiền SDĐ. Sau đó, ông xây dựng nhà trên phần đất này. Nhưng khi tiến hành thủ tục hoàn công, Phòng Quản lý đô thị quận 12 yêu cầu ông đi đóng thuế SDĐ 20m² còn lại. Khi ông nộp hồ sơ xin đóng thuế, Chi cục Thuế quận 12 trả lời phải chờ ban hành giá sát thị trường đối với diện tích đất vượt hạn mức (khu vực quận 12 là 200m²). Không đóng được thuế 20m2 còn lại, đồng nghĩa với việc căn nhà của ông không được hoàn công và cứ nằm ỳ gần 2 năm qua, không thực hiện được bất cứ giao dịch gì.
Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp khá phổ biến tại các quận huyện hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp được “linh động” giải quyết thông qua sự “gật đầu” của cơ quan cấp giấy chứng nhận nhà đất và cơ quan thuế. Cụ thể, có trường hợp đổi sổ mới, diện tích đất theo bản vẽ mới dôi ra vài mét vuông so với bản vẽ cũ nhưng có diện tích vượt hạn mức quy định, đã được trả hồ sơ để điều chỉnh lại diện tích bằng với hạn mức (160m², 200m²).
Hay có chi cục thuế quận, huyện cứ khăng khăng không tính thuế theo cách tính cũ và bắt phải chờ giá thuế mới, mặc dù hồ sơ nộp trước ngày 1-10-2009 (thời điểm Nghị định 69 có hiệu lực thi hành) và đã có biên nhận hẹn ngày nhận kết quả. Thế nhưng, có chi cục thuế quận huyện vẫn “linh động” giải quyết cho những hồ sơ nộp thuế có biên nhận trước ngày 1-10-2009. Tình trạng trên không loại trừ có tiêu cực, khiến cho nhiều trường hợp phải mất tiền oan.
- Giá chờ... thông tư
Giải thích các trường hợp cơ quan thuế chờ… giá, bà Lâm Hồng Thúy Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Gò Vấp, trích dẫn Điều 11 Nghị định 69, quy định: “Khi Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ hoặc đấu thầu dự án có SDĐ, cho thuê đất… chưa sát với giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp…”. Quy định này bắt buộc cơ quan thuế phải chờ giá do UBND TP ban hành mới tính thuế được. Hiện trên địa bàn quận Gò Vấp còn gần 300 hồ sơ chờ giá để đóng thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó phòng Quản lý đất đai Cục Thuế TPHCM, việc UBND TP chậm ban hành giá đất do Bộ Tài chính chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 120 ngày 30-12-2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198 ngày 3-12-2004 của Chính phủ về thu tiền SDĐ. Hiện thông tư này đang được dự thảo, xin ý kiến các địa phương và bộ ngành. Chắc chắn thông tư trên sẽ phải sớm ban hành để giải quyết ách tắc tại các cơ quan thuế hiện nay. Bà Vân cũng cho biết, toàn TP hiện có hơn 3.000 hồ sơ nhà đất chờ đóng thuế chuyển quyền SDĐ theo Nghị định 69. Sự ách tắc này kéo theo kế hoạch thu từ thuế SDĐ có quận huyện tới nay mới chỉ đạt 20% của cả năm.
Từ thực tế trên cho thấy, do chậm ban hành các văn bản pháp luật dẫn đến sự ách tắc không chỉ của chính cơ quan nhà nước, mà còn kéo theo một loạt những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và trực tiếp là người dân. Có thể đây là một trường hợp điển hình của sự trì trệ trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến các vấn đề pháp luật cần được sớm chấn chỉnh trong thời gian tới
HOÀI NAM