Đàn ông vào bếp

Đàn ông vào bếp

Người Việt Nam ta lâu nay luôn có tư tưởng cho rằng, việc bếp núc là của đàn bà, còn đàn ông vào bếp thì mất oai phong, không “xứng mặt”. Thử nhìn lại trường hợp cả vợ chồng đều đi làm, thì công việc của người vợ còn vất vả hơn. Đàn ông sau giờ tan sở có thể vui vẻ nhận lời với bạn bè đi chơi đâu đó, trong khi ấy, người phụ nữ vừa hết việc cơ quan, liền kề là hàng núi công việc ở nhà chờ đón. Đàn ông có thể nói tiếng trước, tiếng sau là vác ba lô lên đường đi công tác; trong khi phụ nữ muốn đi công tác phải đắn đo, cân nhắc, sắp xếp... Thậm chí, nhiều trường hợp phải có sự đồng ý của chồng mới được đi.

Ảnh minh họa

Vợ tôi là công chức nhà nước, tôi làm ở một doanh nghiệp, công việc của tôi làm theo ca bắt đầu từ 1 giờ trưa và kết thúc vào 9 giờ  tối. Với điều kiện sinh hoạt như vậy, gia đình tôi hiếm khi có bữa cơm chiều đông đủ. Trước đây, khi con cái còn nhỏ, gia đình còn duy trì bữa cơm gia đình chiều chủ nhật. Sau này các cháu lớn lên, nhất là khi cháu đầu năm nay thi tốt nghiệp lớp 12, phải học thêm nhiều môn, vậy là hầu như không ngày nào trong tuần, gia đình tôi có bữa cơm chiều đủ mặt thành viên. Với đặc thù như vậy, chúng tôi chuyển bữa cơm gia đình vào buổi trưa.

Buổi sáng, vợ tôi dậy sớm, sau khi đi bộ một vòng tập thể dục, cô ấy tạt vào chợ mua thức ăn. Về đến nhà, cô ấy chuẩn bị hết mọi thứ: rửa rau, thái thịt, ướp cá... Tất cả cho vào tủ lạnh để trưa tôi ở nhà có thể dễ dàng chế biến mà không sợ mặn hay lạt. Do đã chuẩn bị sẵn nên tôi nấu rất nhanh. 11 giờ 30 tan sở, vợ tôi về nhà thì đã xong xuôi. Con học buổi chiều kịp có cơm ăn để đến trường, đứa học buổi sáng vừa về là sà ngay vào bàn ăn. Trong bữa cơm trưa ngắn ngủi, chúng tôi vẫn có đủ thời giờ trao đổi việc học hành của con, những chuyện vui lượm lặt trong ngày...

Là đàn ông, tôi chẳng thấy áy náy hay than phiền khi phải vào bếp lo cho con cái bữa cơm trưa mà ngược lại, nếu hôm nào không phải nấu, như con cái đi ăn liên hoan, vợ đi công tác, tôi lại thấy... buồn vì không phải vào bếp.

Nếu vợ bận rộn thì chồng vẫn có thể gánh vác (thật ra việc nấu nướng chẳng có gì nặng nhọc hay vất vả). Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, tối ưu nhất, để bữa cơm gia đình ngon hơn, vui vẻ hơn, cần có sự hợp tác của tất cả thành viên trong nhà: người nấu ăn, người dọn dẹp, rửa bát... Con cái qua đó cũng có trách nhiệm, biết thương cha mẹ hơn và biết quý trọng bữa cơm gia đình hơn.

NGUYỄN HOÀNG DUY

Tin cùng chuyên mục