(SGGPO).- Sáng 24-3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) và nhiều ĐB đánh giá, cái được lớn nhất của 5 năm qua là ứng phó với những bất ổn. Ngay sau khi ĐH Đảng XI đã ban hành Nghị quyết về siết chặt chi tiêu, ổn định vĩ mô, đó là quyết định đúng đắn. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược có nhiều kết quả, nhất là đầu tư về hạ tầng, tăng được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay vẫn còn quá nhiều yếu kém, đòi hỏi trong 5 năm tới phải có những giải pháp đột phá.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ ĐBQH TPHCM. Ảnh: Lã Anh
Thách thức kép
Theo ĐB Trần Du Lịch, thử thách trong 5 năm tới là phải tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình. Bởi nông nghiệp hiện nay đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường, đó là thách thức kép, liệu chúng ta có vượt qua được không?. Thách thức lớn thứ 2 là hội nhập quốc tế, đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức, có tận dụng được cơ hội hay không là thách thức lớn. Với bất ổn lớn trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với 2 tốc độ khác nhau: đầu tư có vốn nước ngoài - FDI và trong nước. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này thì nền kinh tế rất bất ổn, bởi dù có hội nhập thế nào đi nữa thì nội lực vẫn phải là quyết định, là DN trong nước. Không một nền kinh tế nào vững mạnh nếu nhờ FDI. “Chúng ta đang có nguy cơ mất phân phối nội địa. Ai nắm phân phối, người đó chi phối sản xuất. Các DN phân phối trong nước đang phải chạy đua giành giật”, ĐB Lịch chỉ rõ.
Thứ ba là thách thức về cải cách thể chế. Các đối tác đưa ra rất nhiều cơ hội nhưng bao giờ cũng kèm theo điều kiện về cải cách thể chế. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế, nhưng hiện nay có 2 khâu yếu là cải cách nền hành chính chưa hiệu quả; áp lực nợ công quá lớn, một phần do cơ chế về đầu tư công dẫn đến cơ chế xin cho.
Về mục tiêu 5 năm tới, ĐB Trần Du Lịch đồng tình mục tiêu mà Chính phủ đề ra, nhưng cho rằng, nếu muốn rút ngắn khoảng cách với các nước thì phải tính toán mục tiêu công nghiệp hóa để tính lại nguồn lực để có thể đạt tới mức tăng GDP phù hợp, bảo đảm sau 10 năm, GDP tuyệt đối phải tăng gấp đôi.
“5 năm tới phải làm gì? Tái cơ cấu nông nghiệp thì phải tính thực hiện thực tế. Ví dụ nói đầu tư cho ngư nghiệp nhưng đến nay chưa xây dựng được các trung tâm nghề cá, các đội tàu hậu cần hiện đại. Biến đổi khí hậu gay gắt khiến phải đặt ra việc tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi cây trồng. Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề khởi nghiệp phải được làm mạnh, thể hiện dưới những đạo luật của QH. Hội nhập quốc tế phải tính để tránh bẫy tự do thương mại, không tận dụng được cơ hội lại bị xâm nhập thị trường, chúng ta phải tính từng đối tượng DN cụ thể, Nhà nước phải là bà đỡ thực sự, không thể khoán trắng cho DN được. Muốn DN cạnh tranh thành công thì đầu tiên phải cạnh tranh quốc gia và đó là vấn đề của Nhà nước. Cùng với đó, giải bài toán cải cách các ngân hàng hiệu quả nếu không chúng ta sẽ tiếp tục tích tụ khó khăn”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chỉ ra.
Mặt khác, vấn đề cải cách hành chính phải thực sự hiệu quả. “Nhiều huyện nói họ không cần phó Chủ tịch HĐND thì lại tăng lên, trong khi cần cán bộ khuyến lâm khuyến ngư thì không có. Tinh giản biên chế chỗ cần thì giảm, chỗ không cần thì tăng, cải cách hành chính phải thế nào?. Đầu tư vẫn tràn lan, trùng lắp, phân cấp không rõ ràng. Trong những năm tới, phải giải quyết tất cả những vấn đề đó một cách rõ ràng, hiệu quả, trong đó có cả việc phải rà soát lại những đạo luật hiện hành”, ĐB Trần Du Lịch nói.
ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đồng tình với thách thức kép của chúng ta trong 5 năm tới trong lĩnh vực nông nghiệp mà ĐB Trần Du Lịch chỉ ra. Nông nghiệp công nghệ cao đã có chủ trương, chính sách, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi chúng ta phải cấp bách triển khai nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết. Cơ chế chính sách đã có, còn lại là vấn đề kỹ thuật, đầu tư nguồn lực. Với đội ngũ của chúng ta hiện nay, cộng thêm cơ chế, huy động nguồn lực là điều chúng ta hoàn toàn làm được kể cả trong vấn đề giống, chế biến sâu, bảo quản... Ngoài ra, rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, báo cáo kinh tế-xã hội đề cập chưa sâu sắc vấn đề khoảng cách giàu nghèo, phòng chống tham nhũng. “Đặc biệt, cần nói rõ hơn về thách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó có chiến lược phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền”, ĐB Dung phát biểu.
Riêng về vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, ĐB Võ Thị Dung cho rằng đó là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế-xã hội. Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. Chính phủ nên mạnh dạn giao cho các địa phương chủ động trong tinh giản, không như hiện nay địa phương muốn tinh giản nhưng phải xin ý kiến bộ.
Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.. đó đều là những thách thức lớn hiện nay. Cùng với việc giải quyết những thách thức này, ĐB Võ Thị Dung cho rằng, cần xác định rõ những lĩnh vực đầu tư hiệu quả.
“Người dân Việt Nam ta tuổi thọ càng càng cao nhưng chất lượng sống lại thấp, sức khỏe đối mặt nhiều vấn đề, bệnh tật lắm.. Cần chăm lo sức khỏe con người”, ĐB Võ Thị Dung hướng về Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - ĐBQH TPHCM gửi gắm ý kiến này.
“Đằng sau các dự án lớn là bóng dáng quan lớn”
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn. Về các giải pháp trong thời gian tới, phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu gay gắt.
Thứ nhất về hoàn thiện thể chế, chúng ta đang tập trung cho kinh tế thị trường mà thiếu đi vấn đề thể chế về mặt an dân, theo đó phải lo vấn đề an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông (còn đáng sợ hơn khủng bố), chống buôn lậu, hàng giả..
Thứ hai, tái cơ cấu nông nghiệp phải hiệu quả trong bối cảnh gia nhập TPP, biến đổi khí hậu.
Thứ ba, về đầu tư phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài. Về đầu tư, muốn thu hút được vốn dân doanh, phải làm mạnh cải cách hành chính, tái cấu trúc thị trường tài chính, môi trường đầu tư minh bạch..
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn, thành tựu mà báo cáo nêu nếu đúng thì như có ý kiến ĐBQH nói “thế thì hồng phúc cho dân quá”. Nhưng thực sự, dân đang lo nợ nước ngoài (khoảng 80 tỷ USD); bội chi cao, chi thường xuyên tới 4.000 tỷ đồng/năm; tốn 3 tỷ USD bia rượu/năm…
Về bài toán tinh giản biên chế hiện nay, ĐB Đương cho rằng, để giảm bớt số cán bộ trung gian cần thể chế hóa một số chức danh, hạn chế số cán bộ trung gian, làm phong trào; coi trọng thực sự những người có chuyên môn với mức lương cao. Cùng với đó chống tham nhũng hiệu quả, cần dám đánh giá đằng sau các dự án lớn là bóng dáng các quan lớn có cổ phần, kể cả những dự án đình chùa miếu mạo. Cần tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực, những gì dân làm được thì nhà nước không làm được để hạn chế số lượng cán bộ công chức. Thời gian tới cần coi trọng chống tội phạm tham nhũng, học kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.
Về phát triển kinh tế, ĐB Đương cho rằng, nếu không có tầm nhìn dài hạn với vựa lúa ĐBSCL thì nguy cơ mất là điều hoàn toàn có thể bởi khu vực này đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các nước xây đập ở đầu nguồn gây cạn kiệt nguồn nước... Phải tính toán các giải pháp đối với khu vực này một cách dài hạn, không thể chỉ là tình thế như hiện nay. “Đất đai hiện này quá lãng phí, rất nhiều dự án để hoang hóa, lãng phí kéo dài, cần kiên quyết thu hồi những dự án theo kiểu lấy đất rồi để đó”, ĐB Đương chỉ ra.
| |
PHAN THẢO