Kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2016)
Mỗi người một công việc khác nhau nhưng điểm chung của các cán bộ điển hình dân vận khéo của TPHCM ở cơ sở là dù làm bất cứ việc gì, ở bất cứ cương vị nào họ đều tâm niệm một điều: “Dân vận là giúp dân, là nói thì phải làm để nêu gương”.
Sống trong lòng dân
Thành phố lúc nắng, lúc mưa, nhưng dù thời tiết có thế nào, bà Ba, tên thật là Thái Thị Hía, bán vé số (sinh năm 1942), sống đơn thân và được người dân cho tạm trú trên gác xép trong hẻm 329 đường Bến Vân Đồn phường 6, quận 4, vẫn đều đặn nhận được 2 phần cơm nóng hổi cho bữa chiều, tối.
Nhận phần cơm chả từ tay chị Võ Thanh Xuân, cán bộ MTTQ phường 6 quận 4, bà Ba cười móm mém khoe với chúng tôi: “Cổ tốt với tôi lắm. Bà con ở đây cũng giúp tôi nhiều lắm. Sống quen rồi tôi không muốn đi đâu nữa”.
“Tham lam” nhận nhiều công việc “bao đồng”: Ủy viên Ủy ban MTTQ VN phường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN phường, Phó ban Điều hành khu phố 3, Tổ trưởng Tổ dân phố 28…, nhiều năm qua bước chân chị Xuân đi khắp hang cùng ngõ nhỏ của phường 6, tận tụy góp sức sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, neo đơn, bệnh tật…
Việc gì cũng được chị Xuân hoàn thành bằng trách nhiệm và thái độ tận tụy. Từ việc tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia cuộc vận động “Gia đình tiết kiệm điện”; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi ở; vận động nhân dân trong tổ nuôi heo đất ủng hộ Hội Khuyến học phường; phối hợp vận động trao 100 suất gạo nghĩa tình cho các cụ già neo đơn, các hộ khó khăn; vận động 4 hộ bán cơm chăm lo “bữa cơm tình thương” hàng ngày cho cụ già neo đơn cho đến giới thiệu việc làm cho 5 chị phụ nữ, hòa giải gia đình bất hòa ở cơ sở. “Chị Xuân luôn nhiệt tình với những việc có ích cho cộng đồng” - ông Lê Hoàng Nhất Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 6, quận 4 đánh giá về người cán bộ dân vận tận tâm của phường mình.
Đại úy Bao Minh Tiến - Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng luôn gần gũi và chia sẽ với người dân
Điểm tựa của người lao động
“Tôi mang ơn những cán bộ công đoàn các cấp đã giúp tôi mạnh khỏe trở lại với gia đình mình, được làm những công việc còn đang dang dở”- Ngày tỉnh lại và được đồng nghiệp, lãnh đạo LĐLĐ TP đến thăm sau khi được phẫu thuật theo chương trình “Trái tim nghĩa tình”, anh Trần Minh Hiệp, công nhân Công ty TNHH Dịch vụ công ích quận Gò Vấp xúc động chia sẻ.
Mang trong người trái tim bệnh tật trong hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh Hiệp cảm thấy mình bế tắc đủ đường, chỉ còn biết sống ngày nào hay ngày đó. Biết được hoàn cảnh của anh, chị Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp đã đề xuất LĐLĐ TP đưa anh vào chương trình. Ở chương trình này, dấu ấn của chị Yến đã được thể hiện đậm nét.
Đánh giá về chị, Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp Trần Thị Diệu Thúy cho biết, chị Yến là một trong những ngọn cờ đầu phong trào thi đua “Dân vận khéo” của quận Gò Vấp những năm qua. Rất nhiều việc lặng thầm mà chị và đội ngũ cán bộ công đoàn quận đã làm góp phần đem lại niềm vui và động lực cho không ít người lao động, đem lại hình ảnh đẹp về người cán bộ công đoàn, cán bộ dân vận trong lòng người lao động.
Đi dân nhớ
“Chú đi tao tiếc lắm. Sau này dù làm việc gì hay giữ trọng trách gì khác cũng đừng thay đổi, phải gắn bó với bà con như vậy thì mới hiểu được lòng nhau”- Ngày đến chào những chú bác quen thân trên xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sau 5 năm gắn bó để nhận nhiệm vụ mới, đại úy Bao Minh Tiến đã nhận được câu nhắc nhở khó quên của chú Nguyễn Văn Xiến - cư dân của xã đảo như vậy.
5 năm công tác trên xã đảo, Tiến luôn trăn trở về những khó khăn của địa phương. Vào những tháng gió chướng, cuộc sống mưu sinh của người dân rất khó khăn. Để tạo thêm việc làm cho bà con, anh và đồng đội đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến địa bàn bốc xếp hàng hóa từ các sà lan lên các tàu buôn, hàng ngày nhận từ 40-50 người lao động, với thu nhập 150.000 đồng đến 200.000 đồng/người/ngày. Mỗi dịp lễ, tết hay mùa tựu trường, anh lại cùng đồng đội vận động nhiều cơ quan, doanh nghiệp đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo và học sinh trên địa bàn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Khi được hỏi kinh nghiệm quý nhất khi làm dân vận sau 5 năm giữ nhiệm vụ Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng, anh Tiến cho rằng: “Mục đích công tác dân vận là làm cho dân hiểu, dân tin, dân đồng tình với Đảng và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Muốn được như vậy, chỉ có sống trong lòng dân, thấu hiểu khó khăn của dân mà kịp thời hỗ trợ, sẻ chia thì mới có thể làm dân vận thành công được”.
LINH ĐAN - BÍCH HẠNH