Trên biển Bạc Liêu, dáng vóc con người như cao hơn, trầm tĩnh và cứng cáp. Nó cho ta thấy rõ tầm vóc thật lớn của con người trước thiên nhiên và biển cả. Con người không chỉ, phụ thuộc biển để sống mà tỏ rõ khát vọng, vươn xa, khai thác tối đa giá trị biển cả.
1. Khuất sau những bãi bồi, rặng đước, rặng bần của ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) là một thế giới khác. Sừng sững, lồng lộng giữa trời mây sóng nước là 10 trụ điện gió cao vút với các cánh quạt khổng lồ ngậm đầy gió, xoay tít… “Mỗi trụ cao hơn 80m, chu vi cánh quạt trên 40m. Khoảng cách hàng là 500m, khoảng cách trụ là 280m. Giai đoạn 1 đã xong, 10 tuabin gió đã phát điện, đưa 10 triệu kWh hòa vào lưới điện quốc gia. Giai đoạn 2 gồm 52 trụ đang xác định vị trí để đổ móng. À mà giá điện bán ra đã được nâng từ 7,6 cen lên 9,8 cen rồi nha…”, ông Nguyễn Phú Nông, cán bộ Ban Quản lý Dự án điện gió Bạc Liêu thong thả dẫn khách đi dọc cầu dẫn ra các trụ hào hứng. Dự án điện gió Bạc Liêu còn có mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; sử dụng công nghệ mới do Tập đoàn GE Mỹ chế tạo. Các tuabin có công suất 1.6MW mỗi trụ, mỗi tuabin nặng hơn 210 tấn, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn. Tổng công suất thiết kế khi hoàn thành đạt 99,2 MW, đóng góp cho sản lượng điện của cả nước hơn 320 triệu kWh điện sạch mỗi năm.
Trước mặt chỉ có biển, mênh mông; trên biển ngạo nghễ… tuabin gió. Với diện tích 500ha, 62 trụ điện gió khi hoàn thành sẽ chạy dài hàng kilômét trên thềm lục địa ven biển Bạc Liêu. Điện gió Bạc Liêu có thể còn vươn xa hơn nữa. Tháng 5-2013, nhân lễ hòa điện lưới quốc gia, Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý (chủ đầu tư công trình điện gió Bạc Liêu) đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm nâng quy mô công suất lên 4 lần, từ 99,2MW lên 480MW với 300 tuabin gió để Bạc Liêu trở thành “Trung tâm năng lượng sạch” của ĐBSCL và cả nước. Thành công của công trình điện gió mở ra nhiều cơ hội lớn cho địa phương như tăng nguồn ngân sách, tăng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP, kích thích phát triển du lịch…
Tháng 10-2011, khi công trình đang chuẩn bị lễ khánh thành tuabin đầu tiên, bãi bồi ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông) vẫn heo hút lắm. Mấy đứa trẻ chạy nhảy quanh đống đá, công nhân chuyển từng can nước xuống ghe nhỏ, một “cây cầu khỉ” dài ngoằng nối từ đất liền ra nơi thi công… Khi đó, Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Chiến tâm sự: “Công trình điện gió giúp cấp ủy xã vững tâm hơn khi xây dựng Nghị quyết giảm dần tỷ lệ nông nghiệp; giải quyết việc làm, nâng cao công nghiệp, dịch vụ, du lịch…”. Dáng vóc một đô thị sinh thái mới cho xứ biển đang thành hình. Bạc Liêu đã lớn lên thật nhiều.
2. Sóng vỗ ì oạp nhưng đuối sức, yếu dần rồi hụt hơi, tỏa tràn xuống chân bờ kè. Một bờ kè kiên cố cao hơn 4-5m, chạy dài hàng ngàn mét chắn ngang ngay cửa Gành Hào, nơi cách cửa biển chỉ 3km. “Công trình ứng dụng công nghệ chống xói lở mới. Dầm được đóng sâu xuống đất đến trên 12m…”, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải giới thiệu. Khi hoàn thành, hệ thống đê kè khép kín này sẽ giúp người dân thị tứ Gành Hào trút bỏ nỗi lo sóng biển tràn nhà ám ảnh bao đời nay. Chỉ vào hệ thống bồn chứa nước khổng lồ, anh Cao Hoàng Hải, phụ trách xây dựng nhà máy nước sạch Gành Hào cho biết, công trình vận hành theo công nghệ Mỹ, khi hoàn thành sẽ đạt công suất 12.000m3/năm...
Huyện Đông Hải có hai cửa sông giáp biển, Gành Hào và Cái Cùng nhưng “Gành Hào sôi động nhất”, ông Tư Bình ở thị trấn hể hả góp chuyện. Cảng cá Gành Hào có 170 lượt tàu ra vào mỗi ngày, sản lượng qua cảng 54.000 tấn/năm. “Cảng này sẽ được mở rộng thêm 5ha với nhiều dịch vụ mới”, ông Bùi Minh Túy phấn khởi nói. Tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn hướng biển quan trọng, mang tính quốc gia. Gành Hào sẽ “hoành tráng” hơn, hấp dẫn hơn, trở thành mũi nhọn kinh tế biển khi Cảng biển Gành Hào nằm trong hệ thống cảng biển quốc gia (cho tàu có tải trọng từ 5.000 đến 10.000 tấn); dự án cảng nước sâu lớn nhất, nhì cả nước (cho tàu 50.000 đến 100.000 tấn); nhà máy nhiệt điện Cái Cùng và một khu kinh tế tầm vóc với khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu hành chính - đô thị mới, khu du lịch…
“Con hào xứ này mà ăn sống với mù tạt thì “số zách”. Sáng dậy nửa tỉnh nửa mơ mà quất tô cháo hào với gừng xắt nhỏ thì ca tới bến luôn”, cô bé ở Văn phòng UBND huyện Đông Hải đang chuẩn bị bữa sáng cười tủm tỉm. Ở Đông Hải, nhiều hộ giàu lên nhờ năng động nuôi hào, cua biển bằng bè kết hợp với mô hình nuôi tôm. “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm” (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang - Vũ Đức Sao Biển). Mai này, trăng soi mái đỏ Gành Hào chứ rừng tràm chắc thưa thớt lắm bởi nơi đây đang vượt thoát chính mình.
3. Cái cảm giác nhỏ bé trước biển của con người hình như đã mặc định từ lâu rồi. Đi dọc bờ biển Trà Cổ (Quảng Ninh), dạo quanh bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vùng biển Phan Thiết hay xa hơn, đến Pattaya (Thái Lan) sao vẫn gờn gợn trong ta cảm giác đó. Biển cả mênh mông, chân trời như xa vắng. Những con tàu dập dềnh, chơi vơi sóng bủa bao quanh. Con người nặng nhọc, bươn bả mưu sinh ngay trong cơn giông bão mịt mù tràn về. Ngay khi ra biển kiếm tìm niềm vui, nhìn hàng ngàn con người chen vai với biển vẫn thấy phận người như nhỏ bé quá trước sức mạnh hoang sơ và cả sự lạnh lùng, bí ẩn của thiên nhiên. Ở nơi xa thật xa đó, biển khơi đang “toan tính” gì?
Chính người Bạc Liêu đang từng bước nhận chuyển giao công nghệ điện gió mới của thế giới, vận hành kỹ thuật các bộ định hướng, đo, chỉnh độ gió rồi nhà máy phát điện, trạm biến áp 22/110 kV và hệ thống đường dây 110kV, 220 kV nối vào lưới điện quốc gia… Bạc Liêu đã đưa ra một diện mạo mới, một thế đứng mới, mạnh mẽ hơn trước biển. Và khẳng định đất Chín Rồng đâu chỉ là vựa lúa, biển Nam bộ không chỉ có cá tôm.
Vươn xa ra biển phải nhờ đôi chân cứng cáp bám biển. Điều đó bắt nguồn (chủ yếu) từ chính nội lực con người Bạc Liêu. Và cả cách nghĩ cách làm với tư duy sắc sảo, thông thoáng của con người nơi đây. Lại chợt nhớ đến lời Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng trải lòng với cánh báo chí: Bạc Liêu còn nghèo, tiềm năng hạn chế nên phải đẩy mạnh nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa ngoại lực. Bạc Liêu không chơi trội, luôn nguyện làm người em út dễ thương của các địa phương khác... “Khát vọng cháy bỏng, xuyên suốt của con người Bạc Liêu là không muốn nghèo nữa, phải biết vươn lên. Tất cả đồng lòng vì lợi ích của nhân dân”, ông Võ Văn Dũng nhấn mạnh. Cái quảng trường thoáng đãng, sáng chiều lanh lảnh tiếng cười của cư dân bản địa sát ngay các trụ sở cơ quan công quyền tỉnh cho ta một cảm nhận thật rõ: Đó là chính quyền gần dân, cho dân, vì dân.
Những bước chân âm thầm, bền bỉ nhưng năng động từ tâm thức ấy khiến 56km ven biển và cả Bạc Liêu khởi sắc thật nhiều. Tiếng thơm bay xa từ đó, tự nhiên thôi và người Bạc Liêu có quyền tự hào về điều này. Ra biển Bạc Liêu sẽ thấy dáng mình thật lớn.
VŨ THỐNG NHẤT